Thách thức kiểm toán đầu tư xây dựng

(BKTO) - Thời gian qua, cùng với việc chú trọng kiểm toán báo cáo quyết toán, kiểm toán ngân sách và các lĩnh vực quan trọng khác, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng đặc biệt coi trọng việc kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng (ĐTXD). Tuy nhiên, kiểm toán lĩnh vực này đang đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kiểm toán ĐTXD, KTNN cần tăng cường ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động kiểm toán; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán...

5-kt-du-an.jpg
Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán dự án ĐTXD. Ảnh tư liệu

Còn nhiều thách thức

Năm 2022, KTNN đã kiểm toán các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các dự án trọng điểm, kết nối liên vùng khu vực miền Trung và Tây Nguyên; khu vực miền núi phía Bắc… có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng...

Qua tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 đối với lĩnh vực ĐTXD, KTNN đã chỉ ra nhiều sai sót. Điển hình như: Trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư tại nhiều dự án còn chưa đầy đủ nội dung; chưa xác định rõ nguồn vốn, mức vốn và khả năng cân đối hoặc xác định nguồn vốn không phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư thiếu cơ sở, chưa chính xác; điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn chưa đúng quy trình…

Theo Vụ Tổng hợp, qua kết quả kiểm toán, KTNN cung cấp thông tin quan trọng và đáng tin cậy cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, công chúng nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực ĐTXD; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhà nước; phục vụ đắc lực hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia và các địa phương.

Tuy nhiên qua thực tế cho thấy, kiểm toán lĩnh vực ĐTXD vẫn còn nhiều thách thức lớn. Là đơn vị từng kiểm toán nhiều dự án trọng điểm, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Trần Trí Thành cho biết, số lượng văn bản quản lý về lĩnh vực ĐTXD rất lớn và thường xuyên thay đổi, điều chỉnh. Công tác kiểm toán vừa qua chủ yếu là hậu kiểm, dựa trên hồ sơ tài liệu hoàn công do đơn vị cung cấp nên rất khó phát hiện tồn tại bất cập về chi phí, chất lượng công trình…

Phụ trách kiểm toán lĩnh vực ĐTXD, Kiểm toán viên Phạm Văn Hùng (KTNN khu vực V) cho biết, việc cung cấp hồ sơ, tài liệu cho đoàn kiểm toán còn chậm; thông tin, số liệu báo cáo tại thời điểm khảo sát, thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán khác với số liệu tại thời điểm kiểm toán đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng cuộc kiểm toán; ngoài ra hệ thống văn bản hướng dẫn kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề đối với lĩnh vực ĐTXD còn thiếu... Do vậy, việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của dự án chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Để nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung và chất lượng kiểm toán các dự án ĐTXD nói riêng, nhiều ý kiến cho rằng, KTNN cần tăng cường đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, từ đó gia tăng hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán.

Đối với các dự án ĐTXD do các cấp công đoàn triển khai thực hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quán triệt rõ nguyên tắc là phải chấp hành nghiêm kiến nghị kiểm toán. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm toán dự án ĐTXD, chúng tôi mong muốn KTNN sẽ tham gia kiểm toán từ khi dự án mới triển khai, qua đó cùng cơ quan quản lý, chủ đầu tư phát hiện và ngăn chặn nguy cơ thất thoát, lãng phí; cũng như đánh giá tính hiệu quả, kinh tế của dự án để kịp thời điều chỉnh phù hợp.

Ông Nguyễn Minh Dũng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Xác định chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán đóng vai trò quyết định đến thành công của cuộc kiểm toán, KTNN cần tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho kiểm toán viên. Trong đó, tập trung vào xây dựng, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo; đổi mới phương thức đào tạo, tăng cường hoạt động trao đổi kinh nghiệm…

Đặc biệt, lĩnh vực ĐTXD ngày càng được đổi mới trong công tác thi công và quản lý chất lượng công trình. Điều này đòi hỏi KTNN là phải tăng cường ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và công nghệ mới vào hoạt động kiểm toán để bắt kịp với xu thế mới; đồng thời tăng cường các kênh trao đổi để nắm bắt thông tin về đơn vị, dự án được kiểm toán một cách chủ động, kịp thời và chính xác. “KTNN đang vận hành Cổng trao đổi thông tin, qua đó sẽ thuận lợi cho các đơn vị kiểm toán trong việc khai thác thông tin, dữ liệu về đối tượng kiểm toán” - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học Nguyễn Văn Quang cho biết.

Qua thực tiễn kiểm toán, KTNN chuyên ngành IV chia sẻ, để nâng cao khả năng phát hiện, cũng như kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh vi phạm, các đơn vị kiểm toán cần kết hợp phương thức tiền kiểm với hậu kiểm; KTNN cần tham gia từ đầu về quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển của các địa phương, đơn vị.

Đây cũng là đề xuất được nhiều đơn vị đưa ra qua quá trình được kiểm toán. Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Phạm Thanh Bình, trong điều kiện cho phép, KTNN nên tham gia kiểm toán ngay từ khâu lập dự án, cho đến khi bắt đầu triển khai và lựa chọn đánh giá trong thời kỳ triển khai dự án. “Làm được như vậy sẽ giúp cho kết quả kiểm toán được toàn diện và có giá trị hơn, cũng như giúp chủ đầu tư kịp thời ngăn chặn được các hành vi sai sót” - ông Bình cho biết.

Nhấn mạnh trong bối cảnh mới, yêu cầu đối với kiểm toán không chỉ là đánh giá tính tuân thủ, mà còn là tính hiệu quả của dự án, PGS,TS. Đinh Thế Hùng - Phó Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán - cho rằng, KTNN cần áp dụng kết hợp loại hình kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính; xem xét áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực ĐTXD nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng vốn trong ĐTXD./.

Cùng chuyên mục
  • Phối hợp rà soát, tránh trùng lặp trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) – Sáng 28/9, tại Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì cuộc họp rà soát, tránh chồng chéo trong kế hoạch thanh tra (KHTT) và kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2024.
  • Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Cùng với Phiên giải trình về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN), tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán”, do Báo Kiểm toán tổ chức, một lần nữa, các diễn giả đều khẳng định tầm quan trọng và giá trị của các kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản trị quốc gia; đồng thời gợi mở nhiều giải pháp căn cơ, thiết thực nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
  • Kiểm toán để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Theo ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước (KTNN), thời gian tới, KTNN sẽ không chỉ hậu kiểm mà còn kiểm toán ngay từ khi dự án được thiết kế, đưa vào thực hiện để kịp thời phát hiện những vướng mắc về cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức… Đặc biệt, việc kiểm toán các dự án quan trọng của quốc gia sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đầu tư cũng như giải ngân vốn.
  • Nhiều sai sót trong quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế; tính thiếu đơn giá trồng rừng thay thế; chưa nộp, chậm nộp tiền trồng rừng thay thế… Đây là những sai sót được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kiểm toán chuyên đề Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 (Quỹ) tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng.
  • Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tạo đà tăng trưởng
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Khi xuất khẩu, tiêu dùng… đều có xu hướng giảm, đầu tư công (ĐTC) là động lực quan trọng, mang tính quyết định thúc đẩy đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023. Ở giai đoạn “nước rút” những tháng cuối năm, các Bộ, ngành, địa phương làm gì để giải ngân 95% kế hoạch vốn của cả năm. Đặc biệt, những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN) có vai trò như thế nào để các cấp thực thi công vụ đi đúng, làm đúng và có hiệu quả?
Thách thức kiểm toán đầu tư xây dựng