Nỗ lực để không còn kiến nghị “treo”

(BKTO) - Mặc dù có số lượng kiến nghị kiểm toán tồn đọng lớn, song những năm gần đây, TP. Hà Nội đã và đang nỗ lực tập trung giải quyết, bước đầu tạo kết quả chuyển biến tích cực. Đặc biệt, nhiều kiến nghị kiểm toán đã trở thành động lực thôi thúc các Sở, ngành, các đơn vị được kiểm toán đổi mới, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, điều hành…

ho-hoan-kiem-1377.jpeg
Sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô có một phần đóng góp của KTNN thông qua hoạt động kiểm toán. Ảnh ST

Số lượng kiến nghị tồn đọng còn lớn

Qua công tác rà soát và phối hợp với KTNN trong việc đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, TP. Hà Nội lần đầu tiên tiến hành thống kê một cách đầy đủ về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trên địa bàn.

Kết quả cho thấy, số kiến nghị tồn đọng chưa thực hiện trên địa bàn còn lớn. Tính đến ngày 31/7/2023, số kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện trên địa bàn Thành phố là hơn 9.326 tỷ đồng.

Nhận định về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tồn tích số lượng lớn kiến nghị xử lý tài chính của KTNN, nếu so sánh với nguồn thu ngân sách thì đó có thể coi là một sự lãng phí, thất thoát nguồn lực rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này thì có nhiều, song theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải “cơ bản vẫn là nguyên nhân chủ quan”.

Là đơn vị được giao tổng hợp tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trên địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Xuân Sáng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, các kiến nghị chưa được thực hiện gắn với nhiều lĩnh vực và nhìn chung số kiến nghị chưa thực hiện của các lĩnh vực còn lớn.

Đơn cử, qua rà soát, có 17 kiến nghị các đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện, với tổng số tiền gần 193 tỷ đồng. Đối với việc chậm thực hiện kiến nghị do đơn vị khó khăn về tài chính, hiện còn 21 kiến nghị với tổng số tiền là gần 97 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn nội dung chưa thực hiện liên quan tới Cục Thuế Hà Nội và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội do nhà thầu hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính nên xin giãn, hoãn thực hiện kiến nghị kiểm toán…

dsc_4563.jpg
KTNN đã thực hiện cuộc tổng rà soát kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của các địa phương, đơn vị được kiểm toán, trong đó có TP. Hà Nội. Ảnh: N.Lộc

Theo Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội Phạm Văn Duân, đối với các kiến nghị chưa được thực hiện do trách nhiệm của nhà thầu, Ban sẽ tiếp tục đôn đốc, yêu cầu thực hiện cũng như báo cáo lãnh đạo Thành phố hướng xử lý triệt để. “Ngoài ra, qua kiểm toán, KTNN cũng kiến nghị xử lý tài chính số tiền lớn, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện do dự án chưa kết thúc. Chủ đầu tư và nhà thầu cam kết sẽ thực hiện khi quyết toán dự án” - ông Duân cho biết.

Đặc biệt, nhiều kiến nghị tồn đọng số tiền lớn chưa được thực hiện liên quan do vướng mắc về cơ chế, chính sách với tổng số tiền là hơn 1.220 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là kiến nghị tại báo cáo kiểm toán Dự án khu đô thị mới Dương Nội đối với Tập đoàn Nam Cường và UBND quận Hà Đông trong việc thực hiện kiến nghị khác liên quan tới việc giao đất dịch vụ (525.658 triệu đồng); kiến nghị chưa thực hiện do nhà thầu không hợp tác, hoặc có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu (12 kiến nghị) với số tiền hơn 1.731 tỷ đồng... 

Liên quan đến Dự án xử lý nhà máy nước thải Yên Sở (kiểm toán năm 2016), hiện số kiến nghị xử lý tài chính chưa được thực hiện là hơn 1.032 tỷ đồng. Đây là số kiến nghị xử lý tài chính tồn đọng thuộc nhóm cao nhất đối với một dự án cụ thể của Thành phố.

Thành phố đã thành lập, kiện toàn Tổ công tác thực hiện kiến nghị, kết luận của KTNN và kiểm tra hồ sơ quyết toán dự án theo hình thức hợp đồng BT. Đến nay, nhà đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ, báo cáo để giải trình Tổ công tác và báo cáo UBND Thành phố thực hiện các kiến nghị của KTNN.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội

Sự vào cuộc trách nhiệm giúp mang lại chuyển biến tích cực... 

Tại Phiên giải trình về tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, trong những năm gần đây, UBND Thành phố đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kiến nghị kiểm toán và đặc biệt là giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, trong đó giao Sở Tài chính là đầu mối tham mưu, tổng hợp chung tất cả các nội dung để báo cáo Thành phố.

Bên cạnh đó, Thành phố luôn thường xuyên đôn đốc các đơn vị triển khai các nội dung của thực hiện kết luận kiểm toán. Kết quả điển hình như niên độ ngân sách năm 2021, tỷ lệ thực hiện các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác đạt 90%, chỉ sau khoảng 01 năm, kể từ khi báo cáo kiểm toán được phát hành.

Cùng với việc quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kiến nghị kiểm toán, cũng như rút ra bài học kinh nghiệm để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, lãnh đạo Thành phố cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện các kiến nghị tồn đọng.

9_20230908170107.jpg

Chỉ trong vòng 4 tháng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND Thành phố, các đơn vị thực hiện thêm được 53,3% số kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác và 61,5% số kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, kiểm điểm trách nhiệm

Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Sự vào cuộc quyết liệt này đã mang lại kết quả tích cực, khi lượng lớn kiến nghị được thực hiện chỉ sau một thời gian ngắn. Cụ thể, tại thời điểm 31/3/2023, tổng số kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện được của Thành phố là 19.983 tỷ đồng và 26 kiến nghị cơ chế, chính sách, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm. Đến thời điểm 31/7/2023, các đơn vị được kiểm toán của Thành phố đã triển khai thực hiện thêm được 10.579 tỷ đồng; thực hiện được 16/26 kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách và kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Những kết quả đạt được nêu trên, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của Thành phố còn có đóng góp không nhỏ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là KTNN trong vai trò đồng hành, hỗ trợ địa phương thông qua hoạt động kiểm toán và hoạt động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Qua thực tiễn quản lý địa bàn, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hoàn Kiếm Nguyễn Hồng Trang cho biết, công tác kiểm toán đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý tài chính công, tài sản công. Do đó, sau khi có kiến nghị kiểm toán của KTNN, quận đã tích cực triển khai, đảm bảo các kiến nghị được thực thi, có hiệu lực kịp thời.

Đơn cử, thực hiện kiến nghị của KTNN về việc bố trí ngân sách cho hợp đồng chuyên môn, từ năm 2018, quận đã dừng việc thực hiện nghiêm, không thuê thêm hợp đồng lao động và tiết kiệm 9 tỷ đồng mỗi năm. “Điều quan trọng là từ kiến nghị kiểm toán, quận đã mạnh mẽ thực hiện đổi mới công tác quản lý, sắp xếp lại bộ máy để nâng cao hiệu quả công việc” - bà Trang cho biết.

Ghi nhận những nỗ lực của TP. Hà Nội trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là những năm gần đây, lãnh đạo KTNN khu vực I cho biết, trong quá trình kiểm tra, rà soát, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, KTNN khu vực I đã tích cực phối hợp với địa phương, đồng thời có hướng dẫn, giải thích cho các đơn vị được kiểm toán hiểu đúng về kiến nghị, từ đó đưa đến kết quả thực hiện kiến nghị như vừa qua.

… Để không còn kiến nghị “treo”!

Ông Hà Minh Hải cho biết, trên cơ sở xác định thực trạng, nhận diện rõ nguyên nhân, Thành phố đã đề ra một số giải pháp để đảm bảo thực hiện kịp thời, triệt để các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong đó, đối với các kiến nghị tồn đọng, Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động phối hợp với KTNN để tiếp tục rà soát, làm rõ và đề xuất hướng giải quyết.

Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo việc thực hiện kiến nghị kiểm toán. “Các đơn vị được kiểm toán phải nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; bảo đảm chứng từ, tài liệu chứng minh kết quả thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện kiến nghị” - ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Đối với các kiến nghị kiểm toán không thực hiện được do nguyên nhân khách quan, Thành phố kiến nghị KTNN xem xét, có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện để các đơn vị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để làm tốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

“Với đặc thù Ban giao thông được sáp nhật từ nhiều ban khác nhau, nhưng nay vẫn phải chịu trách nhiệm với các kiến nghị cũ, khó thực hiện. Do đó, Ban rất mong muốn KTNN xem xét, tháo gỡ đối với các kiến nghị “treo” từ hơn chục năm nay, giúp Ban tập trung vào nhiệm vụ hiện nay” - Phó Giám đốc Phạm Văn Duân cho biết.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) Vũ Ngọc Tuấn, việc các địa phương, đơn vị, trong đó có TP. Hà Nội kiến nghị tháo gỡ đối với các kiến nghị khó thực hiện cũng là quan điểm được Tổng Kiểm toán nhà nước đặt ra, khi chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành.

“Trên nguyên tắc đảm bảo các kiến nghị được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, KTNN đã quyết liệt thực hiện công tác rà soát, đôn đốc, đặc biệt là những năm gần đây. Tuy nhiên, đối với những kiến nghị tồn đọng kéo dài do nguyên nhân khách quan, KTNN cũng sẽ xem xét thấu đáo để có hướng xử lý hoặc đề xuất hướng xử lý phù hợp” - ông Tuấn chia sẻ.

fa1def6a0b06df588617.jpg
Bà Nguyễn Hồng Trang. Ảnh: N.Lộc

Kết quả xếp hạng thủ tục hành chính của quận từng bị đánh giá thấp nhiều năm trước đây, đến năm 2022 đã vươn lên dẫn đầu cho thấy sự quyết liệt hành động của quận trong việc đổi mới tổ chức, hoạt động, hướng đến mục tiêu chung là đổi mới, phát triển, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Trong đó có vai trò thúc đẩy từ chính kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Nguyễn Hồng Trang

Nêu quan điểm về phương án xử lý đối với các kiến nghị tồn đọng kéo dài, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sau cuộc “tổng rà soát” tình hình thực hiện kiến nghị cho thấy, việc để tồn tại dai dẳng các kiến nghị khó thực hiện, thậm chí không thể thực hiện, chủ yếu là do nguyên nhân từ lịch sử để lại, sẽ tạo thêm gánh nặng cho chính các bên và có thể ảnh hưởng đến công tác quản lý hiện tại.

“Từ việc phải bố trí nguồn lực tổ chức theo dõi, cho tới tính khả thi để thực hiện một số kiến nghị đến nay không cao; do đó, rất cần được các cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện cho địa phương tiếp thu, sửa đổi sau này” - chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho biết.

Theo ông Phong, nếu thực hiện tốt điều này sẽ góp phần tăng cường quan hệ phối hợp giữa KTNN với các địa phương, đơn vị được kiểm toán, để các đơn vị phải “tâm phục khẩu phục” và nghiêm túc, trách nhiệm hơn trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, từ đó làm tăng hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. 

Điều này còn đúng với chủ trương của KTNN hiện nay, đó là đồng hành, hỗ trợ địa phương, đơn vị được kiểm toán, cùng hướng đến mục tiêu chung nâng cao tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Cùng chuyên mục
  • Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Điều chỉnh Dự án thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành là cần thiết
    7 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nêu rõ: Qua kiểm toán đối với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho thấy, công tác xác định tổng mức đầu tư của các dự án thành phần và tiến độ thực hiện các dự án thành phần hiện nay không còn phù hợp với thực tế. Vì vậy, việc điều chỉnh một số nội dung của Dự án là cần thiết.
  • Thách thức kiểm toán đầu tư xây dựng
    7 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thời gian qua, cùng với việc chú trọng kiểm toán báo cáo quyết toán, kiểm toán ngân sách và các lĩnh vực quan trọng khác, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng đặc biệt coi trọng việc kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng (ĐTXD). Tuy nhiên, kiểm toán lĩnh vực này đang đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kiểm toán ĐTXD, KTNN cần tăng cường ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động kiểm toán; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán...
  • Phối hợp rà soát, tránh trùng lặp trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán
    7 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) – Sáng 28/9, tại Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì cuộc họp rà soát, tránh chồng chéo trong kế hoạch thanh tra (KHTT) và kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2024.
  • Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
    7 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Cùng với Phiên giải trình về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN), tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán”, do Báo Kiểm toán tổ chức, một lần nữa, các diễn giả đều khẳng định tầm quan trọng và giá trị của các kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản trị quốc gia; đồng thời gợi mở nhiều giải pháp căn cơ, thiết thực nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
  • Kiểm toán để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công
    7 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Theo ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước (KTNN), thời gian tới, KTNN sẽ không chỉ hậu kiểm mà còn kiểm toán ngay từ khi dự án được thiết kế, đưa vào thực hiện để kịp thời phát hiện những vướng mắc về cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức… Đặc biệt, việc kiểm toán các dự án quan trọng của quốc gia sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đầu tư cũng như giải ngân vốn.
Nỗ lực để không còn kiến nghị “treo”