Bài 3: "Đau đầu" với giải phóng mặt bằng cho thi công cao tốc

N.HỒNG - N.LỘC - T.LONG | 18/04/2024 15:59

(BKTO) - Nhà thầu “ngóng” mặt bằng, vướng nút thắt khó giải tỏa… đó là thực trạng chung trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ cho triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến cho các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam không thể “về đích” đúng hẹn, như Kiểm toán nhà nước (KTNN) và các cơ quan chức năng đã chỉ ra…

4-du-an-thanh-phan-quang-ngai-hoai-nhon-con-vuong-nhieu-doan-chua-the-giai-phong-mat-bang.jpg
Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn còn vướng nhiều đoạn chưa thể GPMB. Ảnh: ST

Nhà thầu “ngóng” mặt bằng…

Hằng tháng trời cán bộ quản lý dự án bám công trường chỉ ngóng mặt bằng, công nhân phải nghỉ, máy móc “đắp chiếu”, dự án ngừng thi công chỉ vì 1 hộ dân không chấp nhận giao mặt bằng. Trong khi chỉ đạo ở trên thì rốt ráo, chủ đầu tư cùng địa phương tính đủ phương án theo quy định song có thời điểm, công tác GPMB tưởng như đi vào ngõ cụt... Đó là câu chuyện đã và đang diễn ra tại dự án thành phần Vũng Áng - Bùng, thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025) được Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) Phạm Văn Minh chia sẻ với Báo Kiểm toán. “Điều đó cho thấy những thách thức rất lớn mà các đơn vị phải đối diện khi thi công cao tốc Bắc - Nam” - ông Minh cho biết.

Lãnh đạo địa phương phải sát tình hình, quyết liệt, chia sẻ với nhân dân thì mới làm được công tác GPMB. Nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng một số nơi làm chưa tốt. Không câu nệ gì cả. Phải xuống cơ sở lắng nghe ý kiến người dân xem họ muốn gì, đề xuất gì, đặt mình vào địa vị của họ. Còn 1 hộ dân cũng phải xuống, mình không xuống thì ai xuống?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thực tế triển khai các dự án thành phần giai đoạn 1 (2017-2020) cũng như qua kết quả kiểm toán của KTNN đã chỉ ra, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dự án “lụt” tiến độ là do khó khăn, chậm trễ trong khâu GPMB. Theo KTNN khu vực II, GPMB là vấn đề nan giải đặt ra từ nhiều năm trước, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án, trong đó có Dự án cao tốc Bắc - Nam. Đơn cử như tại giai đoạn 1, Dự án Cam Lộ - La Sơn chậm so với dự kiến ban đầu, mà nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong công tác GPMB. Hay qua kiểm toán đối với dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu, tại thời điểm kiểm toán (tháng 10/2022), KTNN khu vực XI cũng chỉ ra nhiều gói thầu bị chậm hoặc có nguy cơ bị chậm, nguyên nhân là do nhiều đoạn tuyến chưa hoàn thành công tác đền bù, GPMB.

Theo Bộ GTVT, dù đã rút kinh nghiệm trong công tác GPMB từ giai đoạn 1, song đến thời điểm này, sau hơn 1 năm triển khai thi công dự án, công tác GPMB vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) - cho biết, mặt bằng bàn giao cho dự án đã đạt khoảng 97%. Khối lượng mặt bằng bị vướng còn lại không nhiều nhưng lại là các “điểm nghẽn” khó khăn nhất. Nguyên nhân là do “việc tổ chức triển khai các khu tái định cư tại địa phương còn chậm, bên cạnh đó là khó khăn liên quan đến đơn giá bồi thường, việc xác định nguồn gốc đất phức tạp nên dễ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện”.

Thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2024 đối với dự án cao tốc, các đơn vị kiểm toán sẽ tập trung làm rõ tình hình triển khai dự án, cũng như các vướng mắc, nút thắt, trong đó có vấn đề GPMB, từ đó có kiến nghị phù hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả triển khai dự án.

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Vũ Thanh Hải

Ngoài ra, những vướng mắc liên quan đến việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật cũng gây khó cho công tác GPMB. Theo ông Minh, việc giao cho cấp huyện làm chủ đầu tư thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp trong khi cấp huyện chưa từng tiếp cận với những công trình có yêu cầu kỹ thuật cao; quy trình thủ tục thực hiện di dời các công trình này cũng rất phức tạp, dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện còn khó khăn, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ.

4-2-.jpg
Nhà thầu chủ động phối hợp cùng chủ đầu tư và địa phương tính phương án đẩy nhanh GPMB. Ảnh: ST

Ngay như việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng (đối với đoạn dự án qua rừng) cũng là một thách thức không nhỏ. Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tại Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 ngày 11/7/2022. Căn cứ các quy định hiện hành, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương có Dự án đi qua tiếp tục thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và sẽ kiểm đếm chính xác về loại đất, diện tích đất, tài sản trên đất, về loại rừng… để báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay, các tỉnh chưa thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Quyết liệt giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng

Tiến độ triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam trong năm 2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Trong đó, công tác GPMB là điều kiện tiên quyết, song đây lại đang là “nút thắt” không dễ tháo gỡ.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, với tiến độ thực hiện Dự án giai đoạn 2 còn lại chưa đầy 2 năm thì tốc độ GPMB phải rất khẩn trương. Nếu trong năm 2024, tiến độ GPMB càng chậm thì thời gian để thi công trong mùa khô sẽ bị rút ngắn. “Nếu thời gian GPMB kéo dài, mùa khô không còn (trước tháng 10) trong khi hiệu suất thi công trong mùa mưa chỉ bằng 1/2 hoặc bằng 1/3 hiệu suất thông thường, vì phụ thuộc vào thời tiết” - lãnh đạo Ban nhấn mạnh.

4-3-.jpg
Dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ gặp nhiều khó khăn trong thi công do vướng mặt bằng. Ảnh: ST

Do đó, thời gian qua, Chính phủ, trực tiếp là Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban đã thường xuyên nắm bắt, nhận diện khó khăn và chỉ đạo quyết liệt để các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên giải quyết các vướng mắc, bàn giao mặt bằng đúng thời hạn cho đơn vị thi công triển khai dự án. Ngay tại Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các địa phương cần xác định GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, huy động cả hệ thống chính trị để giải quyết dứt điểm công tác GPMB Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kiên Giang, Phú Yên; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương, chủ động phối hợp với các cơ quan nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phục vụ thi công dự án.

Tại dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ông Lê Thắng - Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 - cho biết, trong năm nay, Ban sẽ tập trung tiến độ phần cầu, đường và hệ thống 3 hầm trên tuyến với sản lượng dự kiến thực hiện là 5.900 tỷ đồng, giải ngân đạt 3.122 tỷ đồng. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, Ban đã kiến nghị hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định khẩn trương giải quyết những tồn tại, vướng mắc về mặt bằng tại các vị trí "xôi đỗ", kịp thời bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án. Liên quan đến mặt bằng cho Dự án này, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương đã hoàn thành GPMB 487,6ha, đạt 98,67%. Để hoàn thành tiến độ bàn giao mặt bằng trước ngày 30/4/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các địa phương có dự án đi qua và các đơn vị liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ giải quyết dứt điểm các trường hợp vướng mắc, đảm bảo công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.

Khẳng định quyết tâm đẩy mạnh công tác GPMB phục vụ dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các huyện có dự án (Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ) đi qua khẩn trương tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” để hoàn thành các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật; tổ chức bốc thăm vị trí đất, giao đất tái định cư để xây dựng nhà ở; tuyên truyền, vận động người dân thuê nhà ở trong quá trình xây dựng nhà tại khu tái định cư để bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án đúng thời hạn.

Niềm hy vọng chung của các đơn vị quản lý dự án, các nhà thầu lúc này, đó là trên cơ sở nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc, với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, “nút thắt” GPMB cho cao tốc Bắc - Nam sẽ sớm được tháo gỡ./.

Cùng chuyên mục
Bài 3: "Đau đầu" với giải phóng mặt bằng cho thi công cao tốc