Đánh giá kỹ khi thu hẹp phạm vi dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%

(BKTO) - Việc Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) bỏ quy định áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% khiến doanh nghiệp băn khoăn.

phoc.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Hạn chế gian lận chính sách

Báo cáo tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) bổ sung quy định cụ thể 03 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. Cụ thể là: thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.

Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% như sau: Dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm: Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế hoặc thông qua đại lý.

Việc quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%, để minh bạch trong thực hiện, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế; Hạn chế gian lận trong hoàn thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Từ góc độ cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí với định hướng sửa đổi này của Chính phủ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, việc dự thảo Luật liệt kê các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng mức thuế suất 0%, sẽ thể hiện rõ các ngành dịch vụ đang được xuất khẩu trên thực tế của Việt Nam, tạo ra sự rõ ràng trong quản lý, hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách và phù hợp với thông lệ thực hiện của nhiều nước. Cơ quan thẩm tra đề nghị Cơ quan soạn thảo hoàn thiện lại quy định này trong Dự thảo Luật để thể hiện rõ đây là những dịch vụ được tiêu dùng/thực hiện tại nước ngoài để bảo đảm chặt chẽ và đúng bản chất của dịch vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng chỉ rõ, hiện một số công ty tư vấn thuế, doanh nghiệp cho rằng, việc giới hạn các dịch vụ được hưởng thuế suất 0% sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu phi thuế quan, đặc biệt là các doanh nghiệp chế xuất, cũng như có thể ảnh hưởng đến những lĩnh vực dịch vụ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu như dịch vụ thanh toán, marketing, trung tâm hỗ trợ bán hàng, logistics,…

Vì vậy, “đề nghị Chính phủ trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và làm việc với các công ty tư vấn thuế để làm rõ về khả năng, quy mô những loại hình dịch vụ khác mà các doanh nghiệp Việt Nam đang hoặc có tiềm năng xuất khẩu và thật sự đáp ứng yêu cầu là được cung cấp/ thực hiện và tiêu dùng tại nước ngoài, để có thể bổ sung vào Dự thảo Luật một cách phù hợp trong trường hợp cần thiết” – ông Lê Quang Mạnh nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra.

Đánh giá kỹ, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, vừa qua, Ủy ban Kinh tế nhận được văn bản kiến nghị của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài về các vướng mắc, bất cập trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng. Trong đó, các doanh nghiệp chế xuất rất băn khoăn khi bỏ áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0% đối với các dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan và doanh nghiệp chế xuất, đồng thời thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.

hong-thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh góp ý về Dự thảo Luật Thuế GTGT. Ảnh: VPQH

“Doanh nghiệp cho rằng, nếu bỏ các khoản này, số thuế phải nộp sẽ tính vào chi phí, dẫn đến giá thành hàng hóa xuất khẩu sẽ tăng lên, sức cạnh tranh của hàng hóa sẽ bị suy giảm, làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư” - ông Thanh phản ánh và cho rằng, cần tính toán vấn đề để tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam.

Ủy ban Đối ngoại cũng nhận được một số kiến nghị của các doanh nghiệp có tính chất đa quốc gia liên quan đến vấn đề dịch vụ xuất khẩu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà thông tin. Các doanh nghiệp này băn khoăn quy định trong Dự thảo Luật này hẹp hơn so với thông lệ chung, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực đang mở rộng đối tượng hưởng thuế suất bằng 0 đối với các dịch vụ được gọi là dịch vụ xuất khẩu.

Theo ông Vũ Hải Hà, hiện chúng ta cũng chưa có quy định về người tiêu dùng ngoài Việt Nam nên cách diễn giải và áp dụng ở các địa phương khác nhau. Vì vậy, Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra cần xem xét, cân nhắc để tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu của ta và môi trường đầu tư kinh doanh.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ và đánh giá kỹ tác động đối với các sắc thuế có thay đổi về mức hưởng, mức quy định. Trong đó, đối với các lĩnh vực về dịch vụ cung ứng và tiêu thụ trong khu vực phi thuế quan và doanh nghiệp chế xuất bỏ áp dụng thuế suất 0%, cần phải đánh giá kỹ những mặt được, mặt không được đối với môi trường đầu tư./.

Cùng chuyên mục
Đánh giá kỹ khi thu hẹp phạm vi dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%