Đánh giá kỹ tác động khi bổ sung vốn điều lệ cho Agribank

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023 nội dung trình Quốc hội quyết định chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

130520231017-nh1.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cung ứng vốn

Sáng 13/5, UBTVQH cho ý kiến về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Trình bày Tờ trình về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết, là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Agribank có một vị trí quan trọng trong đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 14%).

Tuy nhiên, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.

“Với kế hoạch tăng trưởng quy mô vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại cổ phần, nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank” - Phó Thống đốc NHNN cho biết.

Do đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định; đồng thời, tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, Luật 69/2014/QH13 và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng.

Nguồn bổ sung lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15, phần còn lại được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng nhằm giúp nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.

Làm rõ nguồn vốn bổ sung, phương án phân bổ

Tuy nhiên, thẩm tra việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý, hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chính phủ chưa có Dự thảo Nghị quyết và báo cáo ý kiến của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về nội dung này. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung hồ sơ theo quy định.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank liên quan đến Luật NSNN, Luật 69/2014/QH13 và Luật Đầu tư công. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, bảo đảm đúng quy định trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vẫn còn một số nội dung chưa rõ. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là trình để Quốc hội quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank hay là chủ trương đầu tư vốn điều lệ vì Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư, còn quyết định đầu tư là của Chính phủ.

dung.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: LÂM HIỂN

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần thực hiện đúng quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để có báo cáo, làm rõ và thể hiện rõ trong Dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, với tổng số dự kiến bổ sung vốn hơn 17.000 tỷ đồng nhưng chỉ bố trí từ NSNN hơn 6.000 tỷ đồng, số còn lại chuyển từ xuất cấp, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Việc trình Quốc hội quyết định khoản tiền chưa có trong dự toán liệu có đúng thẩm quyền? Đồng thời, đề nghị các cơ quan làm rõ theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, của Chính phủ, của NHNN, cũng như các vấn đề liên quan đến việc hạch toán, kế toán…

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, đến thời điểm này, KTNN chưa nhận được đề nghị cho ý kiến về nội dung này.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội cũng như đề nghị của Ủy ban Kinh tế, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung khẳng định, KTNN sẽ sớm có ý kiến bằng văn bản.

Qua theo dõi và qua kết quả kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank phù hợp với chủ trương trong Nghị quyết 43/2022/QH15. Hiện nay, trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước thì 3 ngân hàng (VCB, BIDV và Vietinbank) đã có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Vì vậy, việc bổ sung vốn cho Agribank là cần thiết.

Tuy nhiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm các lần bổ sung trước để làm rõ các vấn đề liên quan đến nguồn bổ sung, phương án phân bổ nguồn từ NSNN đảm bảo tính thuyết phục, rõ ràng, khả thi và hiệu quả.

Đồng thời, trên cơ sở thực trạng tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của Agribank, NHNN cần rà soát, đảm bảo việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank tuân thủ theo đúng thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023 nội dung trình Quốc hội quyết định chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo thuyết minh kỹ càng, thuyết phục hơn, đánh giá kỹ tác động đến cân đối ngân sách, cân đối nguồn thu, tháo gỡ các vướng mắc để tái cơ cấu, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của Agribank./.

Cùng chuyên mục
Đánh giá kỹ tác động khi bổ sung vốn điều lệ cho Agribank