(BKTO) - Nợ xấu có xu hướng tăng mạnh theo báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng và báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Điều này có thể khiến lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng. Để giảm áp lực nợ xấu, các ngân hàng cần cải thiện chất lượng tài sản, tăng trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng…

ngan-hang.jpg
Quý I/2023, tổng nợ xấu nội bảng của 28 ngân hàng là hơn 170.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa. 

Nợ xấu tăng mạnh

Theo báo cáo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 02/2023 là 2,91%, tăng mạnh so với mức 2% vào cuối năm ngoái và mức 1,49% vào năm 2021.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng kết quả rà soát, đánh giá của NHNN lại cho thấy một số khoản nợ có nguy cơ chuyển thành nợ xấu như: Các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ hay các khoản phải thu khó đòi… NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 02/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng cũng cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của 28 ngân hàng là hơn 170.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2022. Trong đó, 25 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng, có những ngân hàng nợ xấu tăng 50-70%. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức hơn 2,5%, thậm chí xấp xỉ 3%. Số ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% hiện nay chỉ còn Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam. Tuy nhiên, nợ xấu của những ngân hàng này cũng không nằm ngoài xu hướng tăng lên.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, hiện tại, áp lực nợ xấu gia tăng với nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có chi phí vốn cao, tỷ trọng cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn. Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á cũng chỉ ra rằng, rủi ro liên thông giữa thị trường tiền tệ - vốn và bất động sản đang rõ nét hơn, chất lượng tài sản của hệ thống tài chính đang tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu có xu hướng tăng.

Theo giới phân tích, tỷ lệ nợ xấu tăng một phần do Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực; rủi ro từ kinh tế vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản, khi tỷ lệ cho vay lĩnh vực này của không ít ngân hàng khá cao.

Tăng trích lập dự phòng, kiểm soát chất lượng tín dụng

Tỷ lệ nợ xấu tăng cao được dự báo gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2023. Để giảm áp lực nợ xấu gia tăng, các ngân hàng cần cải thiện chất lượng tài sản, đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. “Những ngân hàng có dự phòng tốt và danh mục cho vay không tập trung vào bất động sản sẽ hạn chế được rủi ro” - các chuyên gia VNDirect nhận định.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng 3 tháng đầu năm nay cho thấy, trong bối cảnh nợ xấu tăng, có ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, chấp nhận lợi nhuận tăng trưởng không như kỳ vọng. Tuy nhiên, không ít ngân hàng lại có chi phí dự phòng chưa nhiều thay đổi, thậm chí giảm mạnh. Tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu trung bình của các ngân hàng giảm mạnh từ 105% hồi đầu năm xuống còn 90,2% khi kết thúc quý I/2023.

Thực tế cho thấy, những ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 100% có thể tương đối yên tâm với việc đảm bảo an toàn hoạt động. Tuy nhiên, với ngân hàng có tỷ lệ bao phủ thấp, việc đảm bảo an toàn hoạt động sẽ là một thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường như hiện nay. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc tăng nguồn lực dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu là rất cần thiết.

Để giảm áp lực nợ xấu, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02), NHNN đã yêu cầu các TCTD phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Đồng thời, mới đây, NHNN đã có các văn bản gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố. Theo đó, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các ngân hàng tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, trong đó lưu ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ xấu và nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, NHNN yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đôn đốc, thu hồi nợ của các TCTD trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). Trường hợp phát hiện dấu hiệu/hành vi vi phạm pháp luật, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố áp dụng/tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo đúng quy định pháp luật./.

Thông tư 02 được kỳ vọng giảm áp lực nợ xấu cho các ngân hàng. Theo Thông tư 02, các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng cụ thể đối với khoản nợ tái cơ cấu: Trích lập tối thiểu 50% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến thời điểm ngày 31/12/2023 và trích thêm số còn lại để đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến thời điểm ngày 31/12/2024.

Cùng chuyên mục
Giảm áp lực nợ xấu