Đánh giá toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

giam-sat.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Giám sát trên cả 5 lĩnh vực giao thông

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, mục đích của cuộc giám sát là đánh giá khách quan, toàn diện trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo, phân công các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Đồng thời đánh giá công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT.

Qua đó, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành pháp luật của các cấp, các ngành thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT. Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT;

Phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn tiếp theo.

Nội dung giám sát tập trung vào việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và các hoạt động liên quan đến bảo đảm TTATGT; trọng tâm là các quy định về bảo đảm TTATGT, các chính sách đầu tư cho giao thông, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan; việc ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT; rà soát các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, trọng tâm là các văn bản dưới luật của Chính phủ và các Bộ, ngành; những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT.

Đẩy nhanh tiến độ giám sát phục vụ công tác xây dựng luật

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng nội dung, phạm vi giám sát rộng, thời gian giám sát dài nên cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, nội dung giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, đây là chuyên đề giám sát quan trọng về trật tự, an toàn giao thông đang được Đảng, Nhà nước ưu tiên hàng đầu, liên quan trực tiếp đến bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trật tự an toàn xã hội.

Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội sẽ thông qua 9 luật và 1 nghị quyết trong đó có Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do vậy, ông Cường đề nghị cần cân nhắc xây dựng tiến độ triển khai các hoạt động giám sát trong kế hoạch chi tiết cho phù hợp. Một số mốc thời gian cần đẩy sớm hơn so với kế hoạch ban đầu để kết quả giám sát bước đầu có thể góp phần vào quá trình hoàn thiện, thông qua 2 dự án Luật này.

thuy-anh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, trong điều kiện thời gian có hạn và trong bối cảnh tại Kỳ họp thứ 6 tới, Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội thì đề cương giám sát nên điều chỉnh theo hướng, thay vì triển khai đồng loạt giám sát đối với cả 5 lĩnh vực giao thông thì nên tập trung triển khai giám sát sớm hơn và theo hình thức cuốn chiếu đối với lĩnh vực giao thông đường bộ trong thời gian từ nay đến hết tháng 4/2024.

Việc đẩy nội dung này lên sớm cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch giám sát vì đối tượng giám sát là khác nhau giữa các lĩnh vực giao thông; còn các lĩnh vực giao thông khác như đường sắt, đường thủy, đường hàng không, đường hàng hải sẽ triển khai sau và toàn bộ báo cáo giám sát sẽ được hoàn thiện vào tháng 9/2024.

“Làm theo phương thức này sẽ đảm bảo kết quả giám sát vừa kịp thời phục vụ mục tiêu trước mắt là xây dựng hai dự án luật; vừa phục vụ mục tiêu lâu dài là đưa ra bức tranh tổng thể, đảm bảo an toàn giao thông trên cả 5 lĩnh vực. Từ đó, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đề ra phương hướng, chiến lược dài hơn, đảm bảo an toàn, trật tự giao thông trong giai đoạn tiếp theo” - bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đồng tình với quan điểm cần thu hẹp phạm vi, đối tượng giám sát, tập trung đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số đối tượng liên quan trực tiếp đến công tác này.

Cùng chuyên mục
  • Thu nhập thấp, nhiều lao động tìm đến “tín dụng đen”
    8 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - “Tín dụng đen” đã và đang âm thầm “bòn rút” tiền bạc của không ít người lao động, khiến họ rơi vào vòng xoáy nợ nần.
  • 80,8% thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 xác nhận nhập học trên Hệ thống
    8 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc thời gian đăng ký nhập học đợt 1 trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, có 494.488 thí sinh xác nhận nhập học, chiếm 80,8% tổng số thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1.
  • Tạo điểm tựa an sinh vững chắc cho học sinh, sinh viên
    8 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV), ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) luôn chú trọng thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác này. Kết quả triển khai chính sách đã góp phần mang lại những tác động tích cực, với việc HSSV được quan tâm chăm sóc sức khỏe từ sớm, thường xuyên và đảm bảo quyền lợi khi phải điều trị bệnh…
  • Việc làm xanh bao giờ phổ biến?
    8 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Việc làm xanh là một trong những định hướng quan trọng tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tuy nhiên, việc triển khai mục tiêu này vẫn còn nhiều thách thức…
  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam: “Tăng tốc” để hoàn thành mục tiêu đề ra
    8 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Với những kết quả tích cực trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong 8 tháng đầu năm, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiêm vụ được giao năm 2023.
Đánh giá toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông