Tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm máy tính hiện nay khá phổ biến. Ảnh: TK
Quyền SHTT chưa được DN nhận thức đầy đủ
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu, gồm khoảng 800 triệu dân và bổ sung cho GDP của thế giới thêm gần 300 tỷ USD/năm; chiếm 26% lượng hàng hóa trung chuyển trên thế giới. TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, mà các nước thành viên đang từng bước phải thực hiện các cam kết, đặc biệt là quyền SHTT. Trong những năm qua, hoạt động thực thi quyền SHTT của Việt Nam đã được triển khai đồng bộ từ T.Ư đến địa phương. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức. Việc xử lý các hành vi vi phạm cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn và chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ về quyền SHTT, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Thống kê của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cũng cho thấy, từ năm 2006 đến 2015, đơn vị này đã thanh tra 541 DN phần mềm và chỉ có 41 DN chấp hành đúng quy định pháp luật về SHTT; kiểm tra 27.602 máy tính, lập 499 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 8,613 tỷ đồng, chuyển 1 hồ sơ sang cơ quan điều tra. Trong số các DN vi phạm, có nhiều đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù, trong nhiều năm qua, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính đã có nhiều cải thiện đáng kể. Tuy vậy, theo khảo sát của Liên minh phần mềm DN (BSA) trên toàn cầu, năm 2004, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại các DN Việt Nam là 92%, đến năm 2014 còn 81% - con số này hiện vẫn là một trong những mức cao nhất trên thế giới và đang ở “top đầu” trong số các nước thành viên TPP. Đây là sự cảnh báo cho những khó khăn lớn đối với DN trong nước khi không những không tận dụng lợi thế từ TPP mà còn vướng vào các vấn đề pháp lý và có thể đi đến phá sản, giải thể. Mặc dù vậy, các DN trong nước dường như còn chưa nhận thức được đầy đủ hoặc còn chưa quan tâm đến vấn đề quyền SHTT.
Gánh chịu nhiều rủi ro nếu không tuân thủ các quy định về SHTT
Tại buổi tọa đàm "DN Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền SHTT trong TPP" do Bộ KH&CN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với BSA tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông John Hill - Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, những lợi ích hữu hình của Việt Nam khi tham gia TPP là nhờ thuế xuất - nhập giảm sẽ đem lại những lợi ích trực diện nhất, đặc biệt khi Việt Nam tiếp cận được nhiều hơn với thị trường Hoa Kỳ. TPP hướng đến việc giảm 18.000 dòng thuế nhập khẩu về mức 0 - đây là một con số khổng lồ. Trong đó, về may mặc và da giày - vốn là những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, mức thuế suất lên đến 32% tại Mỹ và những ngành xuất khẩu khác cũng sẽ được hưởng lợi. Bên cạnh những cơ hội và lợi ích lớn mà TPP sẽ mang lại cho cộng đồng DN Việt Nam nói riêng, một điều còn quan trọng hơn đó là khuôn khổ những chuẩn mực, hành vi mà về lâu dài sẽ định hình quỹ đạo kinh tế cho Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi những rủi ro mà Việt Nam phải gánh chịu nếu không tuân thủ các quy định về SHTT trong “cuộc chơi” này, đặc biệt là những vi phạm về SHTT trong lĩnh vực bản quyền phần mềm máy tính.
Với nhiều năm hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam, ông Roland Chan - Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA cho rằng, bên cạnh việc phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các vụ kiện liên quan đến bản quyền nói chung, bản quyền máy tính nói riêng, việc tỷ lệ vi phạm bản quyền máy tính cao còn khiến Việt Nam có thể phải đối mặt với các vấn đề về an ninh mạng khi bước vào một thế giới siêu kết nối. Vì khi sử dụng phần mềm không bản quyền, khả năng hệ thống máy tính của DN bị tấn công bởi các phần mềm mã độc là rất cao, do đó, an ninh của bản thân DN bị nguy hại.
Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hộ quyền SHTT, tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, cần rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật về SHTT cho phù hợp với thực tiễn và cam kết quốc tế. Đồng thời tăng cường năng lực thực thi cho các cơ quan có thẩm quyền như: đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ, công chức và lực lượng chức năng, đi đôi với việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, cần phải nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của tài sản trí tuệ; coi SHTT là bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của mình; đồng thời cần tiến hành việc khảo sát thị trường một cách thường xuyên và liên tục để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vụ việc và hành vi vi phạm, xâm hại tới quyền SHTT của chính mình.
LÊ HÒA