Các thuốc bị cấm sử dụng trong ngành Nông nghiệp được đề xuất bổ sung vào Luật Dược (sửa đổi) thuộc vào nhóm thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Ảnh: TK
Tác hại khôn lường
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn –NN&PTNT), từ năm 2015 đến tháng 2/2016, qua tiến hành kiểm tra trên 1.800 cơ sở, phát hiện 58 cơ sở có vi phạm về sử dụng chất cấm. Đặc biệt, việc sử dụng chất tạo nạc, tạo màu Salbutamol và Vàng ô đang trở thành vấn đề “nóng”. Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2014 và 2015, các công ty dược đã nhập khẩu trên 9.140 kg Salbutamol, trong đó có 6.240 kg được bán ra ngoài, không đúng đối tượng. Chỉ riêng tại tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2016 đến nay, các đơn vị chức năng đã tiến hành kiểm tra 70 trang trại, hộ chăn nuôi lợn, bò thịt. Qua thử nhanh với 160 mẫu, đã phát hiện 5 mẫu nước tiểu tại 3 cơ sở chăn nuôi có kết quả dương tính với chất cấm Salbutamol.
PGS. TS Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết, hiện nay theo các Thông tư đã ban hành của Bộ NN&PTNT, có 27 hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng. Trong số này, các chất Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamine được sử dụng phổ biến nhất và Clenbuterol là chất nguy hiểm nhất.
“Khi dùng thuốc kích thích tăng trưởng và cho thịt siêu nạc, chỉ cần sang ngày thứ 2 là lợn bắt đầu nở mông vai, tạo ra những thớ thịt săn chắc. Đến ngày thứ 3, lợn sẽ ít di chuyển, thường nằm ngủ li bì. Sang ngày thứ 10, lợn bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm theo hiện tượng chân đứng không vững. Sang ngày thứ 15 thì bằng mọi giá phải xuất chuồng vì nguy cơ gãy chân rất cao” - TS. Lê Thị Hồng Hảo cho biết.
Việc sử dụng các thực phẩm có chứa dư lượng chất tăng trưởng có thể gây ra những tác hại to lớn tới sức khỏe con người, thậm chí gây các triệu chứng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, tăng huyết áp, nguy cơ sẩy thai... Cùng với đó, nếu sử dụng sản phẩm chứa các hóa chất tăng trưởng trong thời gian dài, có thể dẫn đến rối loạn hệ thống hormon của cơ thể, gây nhiễm độc gan, đột biến… Cùng với Salbutamol, chất Aramine O (Vàng ô) cũng có thể gây dị ứng cho mắt và hệ hô hấp, độc hại khi tiếp xúc với da. Nó đã được cảnh báo trong một số nghiên cứu có thể phá hủy ADN trong tế bào gan, thận và tủy xương.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi bất chấp tính mạng con người là do lợi nhuận quá lớn. Theo tính toán, 1 kg Salbutamol nhập khẩu chỉ có giá khoảng 1,5 - 1,6 triệu đồng, nhưng khi bán ra thị trường lên tới 15 triệu đồng. Khi dùng chất này hòa vào thức ăn cho lợn, mỗi con cho lãi trung bình từ 500 đến 1 triệu đồng.
Trước vấn nạn Salbutamol được sử dụng ngày càng nhiều trong chăn nuôi gây hoang mang cho xã hội, trả lời báo chí mới đây, ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung vào Luật Dược (sửa đổi) các quy định về quản lý, sử dụng Salbutamol. Theo đó, đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu Salbutamol trong ngành Nông nghiệp) vào nhóm thuốc “phải kiểm soát đặc biệt”, cùng các nhóm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ. Nếu Luật Dược (sửa đổi) được thông qua, Bộ Y tế sẽ kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, phân phối và sử dụng. Việc cấp phép nhập khẩu mới sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho, từ đó sẽ giảm được tình trạng lạm dụng Salbutamol trong chăn nuôi.
Cùng với đó, theo quy định tại Bộ Luật hình sự có hiệu lực từ ngày 01/7, các cá nhân, tổ chức sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt hành chính từ 50 - 200 triệu, phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp nặng có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng, phạt tù 20 năm. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng, tăng sức răn đe để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Hướng tới mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam không còn sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cũng khẳng định, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, nhất là những cơ sở nhỏ lẻ, tự phối trộn và mua bán lén lút trao tay với người chăn nuôi; kiểm tra đột xuất việc sử dụng chất cấm ngay tại các cơ sở chăn nuôi, các hộ chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa của các quán ăn, bếp ăn tập thể.
THANH TÙNG