Đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế

(BKTO) - Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Công đoàn thời điểm này là cần thiết và phù hợp, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.

Sáng 28/3, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)”.

280320240836-dsc_3042.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Dự thảo Luật Công đoàn lấy ý kiến dự kiến gồm 6 chương, 35 điều, quy định về: quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

Góp ý tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, việc sửa đổi Luật Công đoàn tại thời điểm hiện nay là thực sự cần thiết và phù hợp, nhất là khi Bộ luật Lao động năm 2019 đã có hiệu lực từ 01/01/2021 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về quan hệ lao động, về quyền của người lao động tham gia tổ chức đại diện.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động theo các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể.

TS. Nguyễn Thị Thanh - Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Công đoàn đã góp phần quan trọng trong phát huy sức mạnh, uy tín, sự phát triển của tổ chức Công đoàn… Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi; hội nhập quốc tế đã chuyển sang giai đoạn mới,… Do đó, Luật đã xuất hiện những hạn chế, bất cập cần tiếp tục hoàn thiện nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh, Dự thảo Luật đã kế thừa các thành tựu của Luật hiện hành, đồng thời đã cụ thể hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và Bộ luật Lao động hiện hành. Các nội dung sửa đổi trong Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với nội dung, tinh thần của Bộ Luật Lao động năm 2019 và một số quy định pháp luật khác.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Hà Đình Bốn cũng nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, Luật cần thiết phải mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn; phải thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật mới ban hành sau Hiến pháp 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật…

“Luật Công đoàn cần phải sửa đổi, bổ sung để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay; bảo đảm tốt nhất quyền lợi người lao động và bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam,… ” - ông Hà Đình Bốn nêu quan điểm.

Nhất trí sửa đổi và một số chính sách đề xuất, các đại biểu cũng tập trung góp ý và đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện đảm bảo tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật đối với các quy định về: quyền giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn; tài chính công đoàn; xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn… Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục có đánh giá tác động kỹ lưỡng các chính sách; tham khảo kinh nghiệm, đảm bảo tính khả thi sau khi Luật được ban hành.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Cùng chuyên mục
  • Hoàn thành mục tiêu "bàn giao 5.000 căn nhà Đại đoàn kết"
    29 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc đã giúp 5.000 hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống. Đây thực sự là chương trình lớn có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc, thiết thực chăm lo cho người nghèo, hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
  • Bổ nhiệm Nhà báo Nguyễn Văn Minh giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.
  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin về việc thẻ bảo hiểm y tế không ghi ngày hết hạn sử dụng
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không ghi hạn sử dụng giúp tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho người tham gia BHYT có thể sử dụng thẻ BHYT lâu dài, không phải mất thời gian làm thủ tục, chờ đổi thẻ BHYT hằng năm như trước..
  • Thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành sản xuất vật liệu xây dựng
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) là ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và có phát thải lớn trong quá trình sản xuất. Do đó, thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất VLXD theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.
  • Luật Đất đai năm 2024: Mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Theo Luật Đất đai năm 2024, việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, trong cùng thửa đất chỉ cần phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thay vì phải ở trong cùng một thửa đất đã có nhà ở và đáp ứng thêm điều kiện về thời điểm sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013. Đây là điểm mới đáng chú ý mà người dân đặc biệt quan tâm.
Đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế