Thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành sản xuất vật liệu xây dựng

(BKTO) - Ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) là ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và có phát thải lớn trong quá trình sản xuất. Do đó, thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất VLXD theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.

16.jpg
Cần có giải pháp để thúc đẩy ngành sản xuất VLXD chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng “xanh hóa”. Ảnh minh họa

“Lợi ích kép” của vật liệu xây dựng xanh

Theo thống kê của Viện VLXD, Bộ Xây dựng, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng. Chính vì vậy, ngành sản xuất VLXD truyền thống là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường lớn, đòi hỏi cần phải có sự chuyển đổi. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các nguồn tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt, cùng với gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển các loại VLXD xanh, thân thiện với môi trường đang dần trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất VLXD, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Theo Kế hoạch, ngành xây dựng đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2022-2030, hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, phát thải carbon thấp cho các sản phẩm VLXD (xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng) và vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng và công nghiệp. Đến năm 2030, có 25% các VLXD chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh.

Xét về mặt lợi ích, theo TS. Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD, các loại VLXD xanh có rất nhiều ưu điểm vượt trội, không chỉ đem lại lợi ích cho ngành xây dựng mà còn cho cả xã hội. Cụ thể, việc sử dụng VLXD xanh sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống lại biến đổi khí hậu. Hơn nữa, sử dụng VLXD xanh còn giúp tận dụng được các nguồn phế thải từ các ngành công nghiệp khác, đồng thời nguồn VLXD xanh sau khi sử dụng cũng dễ dàng tái chế, giúp cho ngành xây dựng và các ngành khác phát triển bền vững, đây cũng là giải pháp giúp tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Quan trọng hơn, sử dụng VLXD xanh còn góp phần cải thiện môi trường sống, giúp cho môi trường sống trong lành hơn…

Chia sẻ về xu hướng xanh hóa đối với ngành sản xuất xi măng, PGS,TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam - cho biết, thời gian gần đây, nhiều đơn vị trong ngành đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, sử dụng chất thải công nghiệp và sinh hoạt làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp (DN) đã triển khai sử dụng bùn thải thông thường (từ sông, hồ, các ngành công nghiệp, khu công nghiệp…) để thay thế một phần nguyên liệu sét trong sản xuất clinker; hay nghiên cứu sử dụng một số loại chất thải rắn công nghiệp nhằm thay thế nhiên liệu than trong sản xuất clinker… “Việc sử dụng các chất thải phục vụ trong quá trình sản xuất xi măng đã giúp các DN giảm áp lực về nguồn cung ứng nguyên liệu cũng như tăng hiệu quả trong sản xuất; đặc biệt là giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm phát thải các loại khí có hại ra môi trường” - ông Long nhấn mạnh.

Còn nhiều thách thức trong phát triển vật liệu xây dựng xanh

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù những lợi ích của việc phát triển, sử dụng VLXD xanh có thể nhận thấy khá rõ, tuy nhiên để hiện thực hóa mục tiêu “xanh hóa” ngành sản xuất VLXD vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Trước hết, chi phí đầu tư, cải tạo dây chuyền, thiết bị hiện có cho phù hợp với việc sản xuất các loại VLXD xanh là khá lớn, khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc cân đối chi phí tài chính để đầu tư. Trong khi đó, khuôn khổ pháp luật hiện hành chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN, nên chưa khuyến khích nhiều DN đẩy mạnh phát triển VLXD xanh.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quang Hiệp, trong hệ thống khuôn khổ pháp luật cũng còn thiếu các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá VLXD đạt chứng nhận sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Điều này cũng hạn chế hoạt động nghiên cứu, phát triển sản xuất các sản phẩm VLXD xanh của DN. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ công nghệ sản xuất VLXD xanh tại Việt Nam cũng còn hạn chế, trong khi giá thành sản phẩm còn cao, nên chưa thể cạnh tranh mạnh mẽ với các loại vật liệu khác. Ngoài ra, nhận thức của các đơn vị xây dựng, người tiêu dùng về sản phẩm VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường còn có những hạn chế nhất định. Điều này ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh sản xuất các VLXD xanh, cũng như đưa vào sử dụng rộng rãi trong các công trình…

Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp để thúc đẩy ngành sản xuất VLXD của Việt Nam chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng “xanh hóa”. Theo đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường, làm cơ sở cho các DN có căn cứ áp dụng trong quá trình sản xuất. Song song với đó, Nhà nước cũng cần có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng những VLXD thân thiện với môi trường. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về VLXD xanh nhằm thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như chủ đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu thi công và người dân, để các loại VLXD xanh được phổ biến, sử dụng rộng rãi trong đời sống.

Về phía các DN sản xuất, các đơn vị cần chú trọng đến việc lựa chọn những công nghệ sản xuất VLXD theo hướng sử dụng được nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác. Đồng thời, các DN cần tìm ra các giải pháp để giảm giá thành hơn nữa đối với VLXD xanh, để cạnh tranh tốt với các loại vật liệu truyền thống có tính năng tương tự.

Nhiều DN trong ngành sản xuất VLXD đưa thêm kiến nghị, Nhà nước cần gia tăng cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích các DN đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm vật liệu xanh, nghiên cứu sử dụng các loại chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong quá trình sản xuất các sản phẩm VLXD./.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành sản xuất vật liệu xây dựng