Đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 15 - 20%/năm

(BKTO) - Chủ trì Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta cần phải có chiến lược toàn diện để thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam. Công việc trước mắt là hỗ trợ DN Việt Nam liên kết với khu vực FDI, từ đó gia nhập và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu.




Cần tiết giảm chi phí về logistics để thúc đẩy xuất khẩu - Ảnh: TS

Tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu lớn

Ngay trong lời khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành một nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu.

Để thúc đẩy xuất khẩu năm 2018 và những năm tới, Hội nghị được tổ chức nhằm thấy rõ những hạn chế, bất cập cần tháo gỡ. Bên cạnh vấn đề về thủ tục hành chính chưa tạo thuận lợi tối đa cho DN, Thủ tướng cũng gợi ý những vấn đề cần tập trung thảo luận, cụ thể: giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, hỗ trợ DN nắm bắt thông tin thị trường, quy định pháp luật của nước nhập khẩu, những định hướng sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường…

         
Bộ Công Thương đề xuất 3 nhóm giải pháp lớn để thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Thứ nhất là nhóm giải pháp tác động vào phía cung thông qua đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường, tháo gỡ vướng mắc về thuế và kiểm tra chuyên ngành, tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Thứ hai là nhóm giải pháp tác động vào phía cầu thông qua phát triển thị trường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Thứ ba là nhóm giải pháp tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối cung - cầu thông qua cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường công tác thông tin thị trường, tháo gỡ khó khăn về vốn cho sản xuất, xuất khẩu.
Đánh giá tình hình xuất khẩu thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, xuất khẩu năm 2017 đã tăng mạnh về quy mô, lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD. So với năm 2011, xuất khẩu đã tăng 2,21 lần, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu lao động.

Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã có sự chuyển dịch tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2017 chiếm tỷ trọng 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011. Tỷ trọng của hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1%, năm 2011 là 20,4%. Nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2%, trong khi năm 2011 chiếm 11,6%.

Trao đổi về công tác phát triển thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hàng hóa Việt Nam đã giữ vững các thị trường truyền thống và mở rộng thêm được nhiều thị trường mới. Việc khai thác các cơ hội từ cam kết hội nhập cũng được thực hiện ngày càng hiệu quả, ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội.

Phải đối mặt với nhiều rào cản

Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị nhận định, năm 2018, Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu. Một mặt là do nhu cầu thế giới tiếp tục phục hồi bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan. Mặt khác, theo lộ trình cam kết trong các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Các nước nhập khẩu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Đây là những khó khăn lớn nhất mà xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt.

Bên cạnh đó, hạn chế của xuất khẩu hiện nay là đang dựa quá nhiều vào nhóm hàng điện tử và khu vực FDI. Đối với những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông, thuỷ sản thì mức độ đa dạng hóa thị trường lại chưa cao, phụ thuộc nhiều vào thị trường châu Á…

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các đại biểu đã nêu được các vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực xuất khẩu. Từ những ý kiến này, cần phải sửa đổi một số văn bản pháp lý để khuyến khích xuất khẩu, tạo môi trường thông thoáng cho DN. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần thiết phải giảm chi phí ở mọi khâu, như các chi phí về: logistics, vốn, thủ tục, tiền lương...

Một vấn đề nổi cộm nữa được Thủ tướng chỉ đạo là phải quản lý chất lượng sản phẩm, đồng thời, hỗ trợ công tác thông tin thị trường cho DN. Cảnh báo tình hình quốc tế đang có những thay đổi lớn, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ hơn về xuất nhập khẩu thì mới có thể đưa đất nước bứt phá đi lên.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu: cần phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng và giá trị gia tăng hàng hóa với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 15 - 20%/năm. Cùng với đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018
Cùng chuyên mục
  • Sáp nhập sở, ngành để nâng cao hiệu quả  của bộ máy
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Hà Nội và TP. HCM dự kiến còn không quá 20 sở, ngành. Các tỉnh còn lại từ 17 - 19 sở, ngành tùy theo loại đơn vị hành chính… Đây là nội dung được đề cập trong Dự thảo tờ trình Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố đang được Bộ Nội vụ công bố lấy ý kiến.
  • Nửa nhiệm kỳ hành động và những cuộc đối thoại mang sắc thái Diên Hồng
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Đối thoại là hoạt động diễn ra thường xuyên trong gần nửa nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hơn 2 năm qua, trên tinh thần xây dựng một “Chính phủ hành động, kiến tạo”, Thủ tướng đã nhiều lần đối thoại với DN, công nhân và mới đây là cuộc đối thoại đầu tiên với nông dân. Từ những lần đối thoại cởi mở, dân chủ ấy, niềm tin nơi người dân và DN đã được nâng lên…
  • Chú trọng hiệu quả kinh tế của các đặc khu
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - “Ba đặc khu sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu được gì?” Đây là quan điểm được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh và cũng là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung bàn thảo khi cho ý kiến lần 2 về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, tại phiên họp ngày 16/4.
  • Chỉ số PAPI 2017: Ghi nhận những nỗ lực cải cách
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2017 đều có sự cải thiện đáng kể ở cấp T.Ư và địa phương. Đây là kết quả khảo sát do Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố mới đây. Kết quả này đã phần nào cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế dành cho những nỗ lực cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) cũng như cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam thời gian qua.
  • Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng: Cần thận trọng và phù hợp thực tiễn
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Với quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đảm bảo thể chế hóa đường lối của Đảng, khắc phục được những bất cập trong thực tế công tác PCTN hiện nay; tạo ra những cơ sở pháp lý mới có tính khả thi và hiệu quả, tại phiên họp sáng 11/4, cho ý kiến về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tập trung thảo luận, làm rõ hơn các quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý…
Đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 15 - 20%/năm