Đầu tư thiếu đồng bộ và kết nối, còn manh mún, nhỏ lẻ...
Dự án HTĐT là một sản phẩm đặc thù, là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc bỏ vốn để xây dựng mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp công trình nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ HTĐT trong thời hạn và chi phí xác định. Dự án HTĐT còn là một tổ hợp các giải pháp nhằm sử dụng nguồn lực, tài nguyên để tạo ra lợi ích cho nhà đầu tư và xã hội. Tất cả các dự án HTĐT được triển khai phải phục vụ yêu cầu phát triển bền vững với 3 mục tiêu cốt lõi là kinh tế, xã hội và môi trường.
Đầu tư một dự án HTĐT bao gồm: việc triển khai xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng, công trình công cộng..., phải phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của khu vực, vùng đô thị, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững cho khu dân cư, DN tại nơi được đầu tư cũng như khả năng kết nối với mạng lưới các hệ thống HTĐT lân cận.
Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư các dự án HTĐT đã và đang nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt khả năng điều hành và năng lực quản lý của chính quyền địa phương, kéo theo sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Sự thiếu đồng bộ, kém kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Song song với đó, hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo tại các đô thị lớn. Chưa kể, tất cả các đô thị ở nước ta đều chưa có hệ thống thoát nước thải riêng mà sử dụng chung với thoát nước mưa.
Đáng chú ý, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị là rất lớn nhưng việc xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Nhiều công trình thi công chậm tiến độ, kém chất lượng, chi phí cao. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng dịch vụ hạ tầng còn yếu, hiệu quả thấp. Tình trạng thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công xảy ra ngày càng phổ biến.
Bên cạnh đó, công tác đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án chưa được xem xét một cách nghiêm túc, khách quan và triệt để. Hầu hết các dự án mới chỉ dừng lại ở việc dự báo hiệu quả của giai đoạn chuẩn bị mà chưa đánh giá hiệu quả thực sự sau khi đầu tư. Thậm chí, việc đánh giá này cũng chưa có một tổ chức độc lập đứng ra đảm nhận với đầy đủ tư cách pháp lý.
Ngoài ra, việc đầu tư các dự án HTĐT tại một số địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ và chịu ảnh hưởng của “tư duy nhiệm kỳ”, chưa có tầm nhìn đầu tư chiến lược, dài hơi và xem xét tổng quan trên tất cả các mặt kinh tế - chính trị - xã hội - mỹ thuật - kỹ thuật xây dựng công trình một cách đầy đủ và toàn diện.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường kiểm toáncác dự án HTĐT
Để khắc phục những bất cập trên, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án HTĐT, cần có các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách cũng như công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
Theo đó, Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách cởi mở hơn nhằm xã hội hóa việc đầu tư các dự án HTĐT, kêu gọi và thúc đẩy việc tham gia của các DN ngoài nhà nước. Đồng thời, hệ thống hành lang pháp lý và các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng công trình cần được hoàn thiện theo hướng ngày càng chặt chẽ, tăng cường công khai, minh bạch nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Mặt khác, Nhà nước cần xây dựng và ban hành chế tài nghiêm để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, gây thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, hoạt động đánh giá hiệu quả đầu tư phải được thực hiện một cách nghiêm túc ở các giai đoạn trước, trong và sau khi đầu tư. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tham gia của các chuyên gia, tổ chức độc lập trong các hoạt động đánh giá hiệu quả đầu tư dự án.
Một giải pháp quan trọng khác góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án HTĐT là tiếp tục tăng cường kiểm toán đối với các dự án này. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tiền kiểm đối với các dự án đầu tư quy mô lớn và các dự án trọng điểm, qua đó dự báo về việc phát huy hiệu quả đầu tư cũng như cảnh báo, khuyến cáo khả năng xảy ra rủi ro khi triển khai thực hiện dự án. Những dự báo và khuyến nghị này sẽ giúp các chủ thể quyết định đầu tư như: Quốc Hội, Chính phủ, HĐND, UBND các cấp đưa ra các quyết định hợp lý, kịp thời, nhằm nâng cao tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước.
Để gia tăng chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán trên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, KTNN cần coi trọng công tác đánh giá hiệu quả đầu tư (kiểm toán hoạt động), tránh tình trạng bị cuốn theo các nội dung kiến nghị mang tính sự vụ và xử lý tài chính. Đồng thời, KTNN cần hoàn thiện quy trình kiểm toán dự án đầu tư, nhất là việc bổ sung hệ thống các khung tiêu chí, chỉ tiêu và phương pháp đánh giá trong lĩnh vực kiểm toán hoạt động nhằm đảm bảo việc đưa ra các kiến nghị được khách quan, chính xác và sát với kết quả thực tiễn đầu tư...
TRẦN HOÀNG HẢI - KTNN khu vực III
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 30-8-2018