Hạ tầng chưa theo kịpnhu cầu vận tải
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ngành hàng không Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Năm 2008, tổng số máy bay của hàng không Việt Nam chỉ có 60 chiếc thì đến nay, con số này đã tăng gấp 3 lần (192 chiếc). Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines thì nay có sự tham gia của nhiều DN tư nhân. Mạng đường bay cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008. Năm 2012, sản lượng khách thông qua các cảng chỉ mới hơn 37 triệu; đến năm 2019, dự báo, riêng sản lượng hành khách qua 21 cảng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang khai thác sẽ đạt hơn 112 triệu khách.
Giới chuyên gia cho rằng, thời gian tới, hàng không sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa với những chính sách thúc đẩy phát triển hàng không và du lịch của Chính phủ, đặc biệt là Đề án Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2019. Đây được kỳ vọng là “đường băng” mới cho hàng không cất cánh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không có nguy cơ dẫn tới hạ tầng hàng không không đáp ứng kịp nhu cầu vận tải. Ông Đỗ Đức Tú - Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho biết, minh chứng cụ thể nhất cho sự phát triển “nóng” của hàng không là ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM). Sân bay này quá tải không chỉ ở giao thông kết nối, nhà ga, sân đỗ mà ngay cả đường cất, hạ cánh cũng quá tải. Thực tế, vừa qua, ACV đã rất nỗ lực khắc phục quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, hàng không có đặc thù là cả dây chuyền phải đồng bộ từ nhà ga, đường băng, đường lăn, sân đỗ, đến quản lý không lưu. Hay nói cách khác, nếu khắc phục được quá tải của nhà ga mà đường cất, hạ cánh không được nâng cấp thì không thể giảm quá tải.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) Trần Minh Phương thừa nhận, ngành hàng không “nóng” vì nhu cầu vận tải rất lớn. Trước thực tế này, Bộ GTVT đã tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Khuyến khích sự tham gia đầu tư của tư nhân
Đối với đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, ông Trần Minh Phương cho rằng, từ trước đến nay, kết cấu hạ tầng của hàng không chủ yếu do Nhà nước và DNNN đầu tư. Vừa qua, sự tham gia của DN tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh) là một sự đổi mới trong thu hút đầu tư cho lĩnh vực cảng hàng không.
Trước câu hỏi đặt ra về cơ chế đối với nguồn vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng hàng không, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV Lại Xuân Thanh cho biết, cảng hàng không, sân bay thuộc hạ tầng giao thông quốc gia, thực hiện theo nguyên tắc giao thông đi trước một bước. Đây là yếu tố đầu tiên và ảnh hưởng lớn nhất đến hoạch định chiến lược hạ tầng. Do cảng hàng không, sân bay là kết cấu hạ tầng giao thông nên phải được quản lý chặt chẽ bằng kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển của Nhà nước. ACV luôn ủng hộ chủ trương xã hội hoá, tuy nhiên, xã hội hóa cần theo mô hình của Cảng hàng không Vân Đồn. Theo đó, Nhà nước nên kêu gọi đầu tư toàn bộ cảng, không nên chỉ kêu gọi đầu tư một hạng mục riêng biệt. Mặt khác, xã hội hóa phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư và xã hội.
Trong khi đó, ông Đỗ Đức Tú khẳng định, các quy định của Nhà nước đều khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hàng không nói riêng. Bộ KH&ĐT ủng hộ và tạo điều kiện để nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển kết cấu hạ tầng hàng không. Tuy nhiên, vừa qua, các DN tư nhân có mong muốn đầu tư vào hạ tầng hàng không nhưng chưa được chấp thuận do vướng về cơ chế.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, Chính phủ cần giải bài toán khuyến khích sự tham gia của tư nhân một cách mạnh mẽ, hãy để DNNN là DN trên thị trường, những cách thức như trợ cấp chéo hay trách nhiệm, chương trình nhiệm vụ chính trị - xã hội phải minh bạch, rõ ràng. Tư nhân được làm tất cả những điều mà pháp luật không cấm, ngay lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, tư nhân đã từng tham gia những công trình phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao, tiêu chuẩn ngặt nghèo. Hơn nữa, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã cam kết mạnh về mua sắm Chính phủ. Theo đó, tư nhân trong nước hay cả tư nhân nước ngoài đều bình đẳng trong cạnh tranh đấu thầu dự án đầu tư của Nhà nước.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 18-4-2019