Việt Nam sẽ đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam. Ảnh minh họa
Đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam (giai đoạn 2017-2021), tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành phố, với 11 dự án thành phần. Trong đó, 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118.000 tỷ đồng, Nhà nước đầu tư 55.000 tỷ đồng cho 3 dự án đầu tư công. 8 dự án PPP sẽ được đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng, cạnh tranh, minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy thông tin, hiện có khoảng 80 nhà đầu tư mua hồ sơ dự thầu của các dự án, trong đó có nhiều nhà đầu tư quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Bộ GTVT cũng đề cao việc huy động nguồn lực về tài chính, công nghệ tiên tiến và trình độ quản lý hiệu quả từ khu vực tư nhân, khuyến khích nhà đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại trong tổ chức thi công và đẩy nhanh tiến độ. Kinh phí thực hiện dự án tăng hoặc giảm do nhà đầu tư tự chịu hoặc được hưởng. Nguồn vốn của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng đã rõ và địa phương chịu trách nhiệm đảm bảo giao mặt bằng sạch nên nhà đầu tư có thể yên tâm.
Đại diện nhiều DN trong nước và quốc tế bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư Dự án này. Tuy nhiên, các DN nước ngoài vẫn còn tỏ ra lo ngại khi việc bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh doanh thu chưa được Chính phủ thông qua. Trong khi đó, DN trong nước lại lo khó trúng thầu vì các điều kiện đặt ra quá cao.
Cần sớm hoàn thiện Luật PPP
Về yêu cầu bảo lãnh tỷ giá, doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hiện Việt Nam chưa có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ đã xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư PPP với phương án bảo lãnh tỷ giá, doanh thu... để lắng nghe ý kiến các bên. Bổ sung thêm, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, dù chưa có quy định về bảo lãnh tỷ giá nhưng hệ thống pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ các quy định về chuyển đổi ngoại tệ. Đồng thời, Chính phủ luôn kiên trì chính sách kinh tế vĩ mô nhằm duy trì tỷ giá ổn định. Trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể thực hiện các giải pháp để ổn định cho phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ từng thời kỳ nên các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm về tỷ giá hối đoái và kết quả điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần tính toán, cân nhắc các rủi ro phát sinh trong đầu tư.
Ông Nguyễn Danh Huy cũng khẳng định, Bộ GTVT đã nghiên cứu một số giải pháp chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư; đồng thời, không để khoản tín dụng đầu tư vào giao thông thành nợ xấu, ảnh hưởng cả hệ thống tín dụng. Trường hợp doanh thu thấp hơn kế hoạch, Bộ có thể điều chỉnh thời gian thu phí, mức phí... Đặc biệt, mức phí và lộ trình tăng phí với Dự án Cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua nên sẽ không có điều chỉnh. Theo đó, mức phí thấp nhất là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe dưới 12 chỗ ngồi) và tăng tới mức tối đa là 3.400 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Do đó, vấn đề về mức phí, tăng phí đã được giải quyết, nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm.
Nói về những khó khăn của DN trong nước khi tham gia Dự án Cao tốc Bắc - Nam, đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư trong nước muốn tham gia cũng không dễ. Bởi theo yêu cầu, nhà đầu tư phải từng làm dự án hạ tầng có vốn bằng ít nhất 50% vốn dự án sẽ tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, lâu nay, Việt Nam rất ít dự án có vốn lớn bằng với mức đầu tư cao tốc Bắc - Nam để nhà đầu tư tham gia và tích lũy kinh nghiệm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để Dự án Cao tốc Bắc - Nam được triển khai đạt hiệu quả cao nhất, các cơ quan quản lý nhà nước phải thống nhất quan điểm về việc xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ theo hướng để hoạt động đầu tư vận hành theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, hiện khuôn khổ pháp lý cho PPP mới chỉ ở cấp nghị định, chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc. Vì vậy, cần hoàn thiện ngay và trình Quốc hội Luật PPP. Khi đã có hành lang pháp lý đầy đủ, đảm bảo sự tương thích giữa hệ thống pháp luật trong nước và hệ thống pháp luật quốc tế, chúng ta sẽ giám sát được các dự án và khắc phục được những hạn chế như đã từng gặp.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 23-5-2019