Đẩy mạnh cải cách thể chế để tạo sức bật cho doanh nghiệp phục hồi

(BKTO) - Sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã thể hiện được sự nỗ lực kiên cường, bền bỉ thích ứng với bối cảnh khó khăn. Tuy vậy, DN hiện vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình phục hồi, đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để tạo lực đẩy, mở rộng không gian phát triển cho DN.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế 2023 cùng doanh nghiệp “vượt sóng”, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, năm 2022, bất chấp những bất ổn của tình hình thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng và phục hồi mạnh mẽ, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.

20221117_161516.jpg
Diễn đàn do Tạp chí Diễn đàn DN thuộc VCCI tổ chức vào chiều 17/11. Ảnh: D.THIỆN

Đơn cử, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” 13,7% trong quý III, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra hồi quý II. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo, năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6,5%, cao nhất khu vực Đông Nam Á…

Tuy nhiên, theo ông Phòng, mặc dù nền kinh tế đang phục hồi tích cực, song trước những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới và trong nước, cộng đồng DN vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Biểu hiện là, số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, bình quân một tháng có khoảng 18,1 nghìn DN thành lập mới thì có khoảng 12,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế, cứ 10 DN gia nhập mới thì có 7 DN tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực DN vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những “sóng gió” của thị trường.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN - cũng cho rằng, từ quý III, ghi nhận thực tế cho thấy, DN ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng đang gặp khá nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là những khó khăn về vốn, tìm kiếm thị trường mới, đơn hàng sụt giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, áp lực về tỷ giá… Những khó khăn trên đang đặt ra những áp lực không nhỏ đối với các DN trong việc xoay sở tìm giải pháp để có thể trụ vững trên thị trường.

Từ thực tế trên, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để mở rộng không gian phát triển cho DN.

Theo bà Minh, trong hơn 2 năm qua, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, song Việt Nam vẫn duy trì được hình ảnh đất nước không ngừng cải cách. Dù vậy, hiện tại, trên bình diện vĩ mô chưa có thêm nhiều ý tưởng và động lực mới cho quá trình cải cách. “Điều này đặt ra yêu cầu các Bộ, ngành chức năng cần tiếp tục rà soát các lĩnh vực quản lý để đề xuất, đưa ra những chính sách cải cách đột phá mạnh mẽ, qua đó tạo động lực thúc đẩy DN phục hồi tốt hơn trong thời gian tới” - bà Minh nhấn mạnh.

Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, về phía DN, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý DN, Bộ Thông tin và Truyền thông - khuyến nghị, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh, mạnh mẽ như hiện nay, các DN cần đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao khả năng chống chọi trước những biến động của thị trường. Bởi theo ông Đường, kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, những DN thực hiện chuyển đổi số, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, khi gặp khủng hoảng họ cũng suy yếu nhưng sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn, nhanh hơn và sau khủng hoảng sẽ tạo được sức bật phát triển bền vững hơn.

“69% DN khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đẩy nhanh chuyển đổi số để phục hồi sau đại dịch. Trong khi đó, con số này ở Việt Nam là 47%, cho thấy các DN Việt cần tăng tốc hơn nữa trong tiến trình chuyển đổi số để bắt kịp với xu hướng chung của thế giới, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo nền tảng để trụ vững trên thị trường” - ông Đường nhấn mạnh.

Đưa thêm đề xuất giải pháp để hỗ trợ DN về vấn đề vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hướng dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn; đồng thời, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh tiết kiệm chi phí hoạt động, để hỗ trợ DN được vay vốn với lãi suất hợp lý…

Song song với đó, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục triển khai các chương trình cho vay liên kết, chuỗi cung ứng; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng…/.

Cùng chuyên mục
  • PV GAS D tổ chức thành công Hội thi tay nghề năm 2022
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nhằm tôn vinh người lao động có tay nghề cao, sáng tạo, đồng thời thúc đẩy phong trào thi đua, rèn luyện nâng cao tay nghề trong toàn đơn vị, Công ty cổ phần Phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam (PV GAS D) đã tổ chức thành công Hội thi tay nghề lần thứ VII năm 2022.
  • Doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ bị thu hồi giấy phép xuất khẩu lao động
    một năm trước Doanh nghiệp
    Đến ngày 01/01/2023, nếu doanh nghiệp không bổ sung đầy đủ điều kiện theo quy định và gửi báo cáo rà soát thì phải chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bị thu hồi giấy phép.
  • Thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế hợp tác xã trong nền kinh tế
    một năm trước Doanh nghiệp
    Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, từng bước phục hồi sau đại dịch, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đang đóng vai trò quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của mô hình kinh tế này vẫn đang đứng trước nhiều thách thức cần giải quyết.
  • PV GAS “về đích” sớm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của năm 2022 khi lợi nhuận 9 tháng đã đạt 11.726 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ và vượt xa con số kế hoạch 7.039 tỷ đồng của cả năm.
  • Khẳng định thương hiệu PV GAS
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nhiều năm qua, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) luôn xuất hiện trong các danh sách bình chọn ở thứ hạng cao, là một trong những doanh nghiệp dầu khí nhận được nhiều giải thưởng doanh nghiệp Việt Nam. Sau khi nhận tôn vinh Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam năm 2022 do Forbes bình chọn, PV GAS tiếp tục được xướng tên chúc mừng tại nhiều Lễ trao giải doanh nghiệp khác.
Đẩy mạnh cải cách thể chế để tạo sức bật cho doanh nghiệp phục hồi