Thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế hợp tác xã trong nền kinh tế

Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, từng bước phục hồi sau đại dịch, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đang đóng vai trò quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của mô hình kinh tế này vẫn đang đứng trước nhiều thách thức cần giải quyết.

dsc_6213-1600x1200-.jpg
Mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh tư liệu

Đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế

Theo Liên minh HTX Việt Nam, ước tính đến thời điểm cuối năm 2022, cả nước có 29.021 HTX, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp HTX với tổng số vốn điều lệ đạt 54 nghìn tỷ đồng; tổng giá trị tài sản đạt 187,7 nghìn tỷ đồng (chưa kể Ngân hàng HTX và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân), tăng 8,7% so năm 2021… Chỉ tính riêng Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Coop) có vốn điều lệ hơn 3,2 nghìn tỷ đồng, doanh thu 35 nghìn tỷ đồng, chiếm 38% thị trường bán lẻ cả nước, nộp ngân sách hơn 200 tỷ đồng/năm.

Hoạt động của các HTX những năm gần đây ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Đáng chú ý, các HTX cùng các thành viên sản xuất, cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu với khối lượng và giá trị khá lớn sản phẩm nông sản, dịch vụ vận tải, tín dụng, thương mại. Tỷ trọng lúa, gạo, hồ tiêu và rau quả do các HTX sản xuất chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả nước; tỷ trọng các nông sản khác và thủy sản chiếm 25%-30%; tỷ trọng dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa chiếm 29%; tỷ trọng doanh số bán lẻ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu chiếm 28%; tỷ trọng dư nợ tín dụng ở địa bàn nông thôn chiếm 14%; các HTX nông nghiệp vùng biên giới, HTX đánh bắt hải sản góp phần tích cực vào bảo vệ chủ quyền của đất nước...

Phát biểu tại Hội nghị tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới diễn ra chiều 8/11, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhận định: Kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế ở nước ta.

Qua quá trình phát triển, đặc biệt sau 2 năm chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19 khu vực kinh tế tập thể, HTX nhìn chung đã phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, bên cạnh những con số mang tín hiệu tích cực trên, khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Trong đó phải kể đến sự phục hồi và phát triển của HTX, liên hiệp HTX ở các địa phương chưa đồng đều, một số HTX bị thua lỗ, giảm sản lượng và quy mô. Nhiều HTX sản xuất nhỏ lẻ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường; thiếu nhân lực quản trị và lao động đã qua đào tạo; thiếu vốn sản xuất, kinh doanh…

Đặc biệt, tác động của dịch bệnh Covid-19 càng khiến cho hoạt động của các HTX thêm khó khăn. Các HTX nông nghiệp gặp khó do chi phí sản xuất tăng, giá nông sản trong nước và xuất khẩu tăng nhưng mức độ hưởng lợi còn thấp và chưa hợp lý so với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ trong chuỗi giá trị; một số HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thu hẹp sản xuất do nhu cầu của thị trường thay đổi sau dịch Covid-19; các HTX xây dựng gặp khó khăn về vốn, thiết bị lạc hậu; HTX du lịch phục hồi chậm do cơ sở vật chất xuống cấp, lượng khách nước ngoài hạn chế…

Trước tình hình mới, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Trong đó nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân"; đồng thời xác định mục tiêu đến 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. 

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy HTX phát triển

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, nhu cầu về vốn để phát triển, mở rộng sản xuất đang trở nên vô cùng bức thiết. Trong khi các HTX gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị  Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX từ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để mở rộng tín dụng hỗ trợ vốn cho HTX phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm ổn định đời sống cho xã viên cũng như sự phát triển bền vững của các HTX. 

Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các HTX cần phải mở rộng, thu hút thành viên tham gia, từ đó giúp HTX có thể tận dụng lợi thế theo quy mô trong bối cảnh cần nguồn lực để nhanh chóng phục hồi hoạt động sau đại dịch Covid-19. Đây cũng chính là cơ hội giúp HTX huy động thêm nguồn tài chính để mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm trang thiết…

“Riêng đối với HTX nông nghiệp, kết nạp thêm thành viên có đất sản xuất giúp HTX hướng tới sản xuất có quy mô sản lượng ổn định, đáp ứng được các hợp đồng đơn hàng lớn, giảm giá thành, tăng năng suất và lợi nhuận” - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết.

dsc_6119-1600x1200-.jpg
Sự mở rộng, phát triển của mô hình HTX sẽ giúp tập trung nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Ảnh: N.LỘC

Liên minh HTX Việt Nam cũng đề xuất ban hành, sửa đổi các quy định, trước hết là Luật HTX, nhằm mở rộng cơ chế tín dụng tạo điều kiện cho HTX và thành viên vay vốn có hiệu quả từ tổ chức tín dụng và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; sửa đổi quy định cho phép Quỹ tín dụng nhân dân mở rộng cho vay ngoài thành viên, nhất là ở địa bàn nông thôn... 

Trong khi đó, đại diện nhóm nghiên cứu về HTX của Hội đồng Lý luận Trung ương - cho hay, phát triển theo mô hình tổ hợp tác, HTX là phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, với xuất phát điểm phần lớn là hộ gia đình sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Song các HTX phải liên kết được với những thành phần kinh tế khác để phát huy hết sức mạnh. 

Còn theo đại diện HTX Sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt (tỉnh Hải Dương), để nâng cao giá trị của các HTX, cần có mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn liền với tăng trưởng xanh và chuyển đổi số; thiết lập các tiêu chí HTX kiểu mẫu, phát huy thế mạnh, ưu thế nổi trội của địa phương…

Đặc biệt, HTX cần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua thực hiện liên kết chuỗi, từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường. HTX cần tận dụng triệt để, có hiệu quả hơn sự hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ,…, từ đó phát huy nội lực, tính chủ động để phát triển mạnh mẽ hơn nữa - các chuyên gia lưu ý.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế hợp tác xã trong nền kinh tế