Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP địa phương, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tỉnh Hải Dương

(BKTO) - Chương trình OCOP của tỉnh Hải Dương đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia. Nhờ các chính sách hỗ trợ từ OCOP, các sản phẩm của doanh nghiệp được khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường.

Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình OCOP đã góp phần tạo sức bật phát triển kinh tế trên phạm vi toàn tỉnh Hải Dương. Được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm, nỗ lực cải thiện kỹ năng xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm.

z3953552004183_9650fbf25546019b44dba62947c4f4f4-2-.jpg
Bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia  được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: Khánh Linh

Mục tiêu của Chương trình OCOP Hải Dương là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, chương trình OCOP được địa phương triển khai từ năm 2019. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 150 sản phẩm OCOP được công nhận của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Hầu hết các doanh nghiệp khi tham gia chương trình đều có từ 2 sản phẩm trở lên được gắn sao. Riêng TP Hải Dương có 38 sản phẩm OCOP 4 sao, 21 sản phẩm 3 sao. Trong đó, có 2 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao, gồm bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia của Công ty cổ phần Hoàng Giang (TP. Hải Dương) và vải tươi Queen Thanh Hà Lychee của Công ty cổ phần Ameii Việt Nam (huyện Thanh Hà).

Như vậy, sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã lan tỏa đến các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ du lịch trên toàn tỉnh Hải Dương. Chương trình đã tạo động lực phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản địa phương bởi Hải Dương có nhiều làng nghề cùng các đặc sản, nông sản nổi tiếng mang thương hiệu, nét đặc trưng riêng vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Không chỉ đẩy mạnh liên kết sản xuất, những năm qua, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia Chương trình OCOP, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tạo động lực cho các hợp tác xã phát triển.

Cùng với sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đô thị loại I, thành phố chú trọng phát triển nông nghiệp ven đô nhằm tạo vành đai xanh khắc phục bất cập của đô thị hoá, công nghiệp hoá. Với định hướng này, thời gian tới, thành phố xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến nông sản; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân để tạo ra sản phẩm giá trị. Đồng thời tích cực ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, lựa chọn mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện sản xuất...

Các giải pháp thúc đẩy OCOP tỉnh Hải Dương

z3953551875842_249aa7665581f904ba364a1605bc1454.jpg
Bánh đa cá rô đồng ăn liền Khánh Thọ đã được chứng nhận đạt OCOP 4 sao năm 2019 được bày bán ở các siêu thị trên khắp cả nước. Ảnh: Khánh Linh

Để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, Hải Dương sẽ tập trung hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, phát triển các sản phẩm đăng ký mới; hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các bên tham gia, tập trung tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền. Cùng với đó, tỉnh xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với các sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương theo hướng nghiên cứu ứng dụng, triển khai; xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm; ưu tiên phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP; Ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương cũng sẽ mở rộng đối tác hỗ trợ thực hiện đề án OCOP như: Các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm; viện, trường đại học, nhà khoa học; hiệp hội chuyên ngành; các tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm; ngân hàng... Tỉnh còn tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện đề án; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, thành trong cả nước.

Thời gian tới, Hải Dương sẽ tập trung tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương; đưa Đề án OCOP vào Nghị quyết hành động của cấp ủy; kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn.

Đối với các đơn vị tham gia vào đề án OCOP của tỉnh, tùy theo phương án kinh doanh, tùy mức độ đơn giản hay phức tạp và điều kiện sẵn có, một sản phẩm có thể nhận từ một đến tất cả những hỗ trợ từ Đề án OCOP của Hải Dương như: Tập huấn, tư vấn tại chỗ; kết nối các nguồn lực; tập huấn nghiên cứu phát triển sản phẩm; triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; thiết kế mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm, xây dựng.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP địa phương, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tỉnh Hải Dương