Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp từ điểm cầu chính trụ sở Ban Tuyên giáo Trung ương, kết nối trực tuyến đến 2.020 điểm cầu trên cả nước với gần 75.000 đại biểu tham dự, trong đó có 3 điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương, 57 điểm cầu các tỉnh, 647 điểm cầu cấp huyện và 1.313 điểm cầu cấp xã.
Tại điểm cầu Kiểm toán nhà nước (KTNN) có sự tham dự của các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ; cùng các báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội cấp Đảng ủy KTNN; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN; Ủy viên Ban Chấp hành các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận, đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ KTNN.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe thông tin chuyên đề: “Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024” do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trình bày.
Thứ trưởng cho biết, trong 7 tháng qua, nền kinh tế đã phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, cao hơn kịch bản cao nhất của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6%) và dự báo của nhiều tổ chức quốc tế.
Về thương mại, xuất khẩu 7 tháng tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, là điểm sáng của nền kinh tế; cán cân thương mại duy trì mức xuất siêu cao, 7 tháng đạt 14,08 tỷ USD.
Về đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội (4 - 4,5%).
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung triển khai quyết liệt, với tinh thần cải cách, đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động kiến tạo, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn.
Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, đạt nhiều kết quả rõ nét; nhiều công trình đưa vào khai thác, mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các vùng, cả nước và địa phương. Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Các công tác khác cũng đạt nhiều kết quả tích cực như công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm phát triển. Đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất và toàn diện hơn, có dấu ấn nổi bật, cụ thể hóa thành các dự án cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá…
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả một số nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm.
Cụ thể là, khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng, xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2024 và trong thời gian tới.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới 3 động lực tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe thông tin chuyên đề: “Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới” do Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc trình bày.
Định hướng tuyên truyền và kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm trong hai báo cáo thông tin chuyên đề ở Hội nghị.
Cùng với đó, tập trung tuyên truyền kỷ niệm 55 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm Ngày mất của Người, trong đó khẳng định giá trị trường tồn của Di chúc, là văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, là kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những thành tựu to lớn, bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam trong 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Đồng thời, tuyên truyền kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh; những thắng lợi vĩ đại và thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong gần 8 thập kỷ qua, nhất là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội ban hành văn bản chỉ đạo, tuyên truyền Kế hoạch tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024 để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tích cực hưởng ứng, góp phần đưa Luật sớm đi vào cuộc sống./.