Khai mạc Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương

(BKTO) - Chiều 18/01, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.



Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng các đoàn đại biểu nghị viện thành viên và quan sát viên, các vị khách mời tham dự Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: APPF-26.vn

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tháng 01/1993, Tuyên bố Tokyo được thông qua để chính thức thành lập APPF với 15 nghị viện sáng tạo. Đã 25 năm qua, đến nay, APPF đã phát triển và trở thành một diễn đàn với 27 nghị viện thành viên, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của hơn 4,5 tỷ người trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“APPF đã thúc đẩy các quốc gia thành viên thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển nhất là thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Đặc biệt quan trọng là cùng với các cơ chế hợp tác liên nghị viện khác, APPF đã đóng góp vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền ngoại giao nghị viện, nâng cao vị thế và tiếng nói của các nghị sỹ trong các vấn đề khu vực và quốc tế”- Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Nêu bật những thách thức đối với sự ổn định, hòa bình và an ninh trong khu vực, những vấn đề an ninh phi truyền thống mà khu vực đang phải đối mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tại Hội nghị lần này, ngoài việc cùng nhau trao đổi các vấn đề an ninh, kinh tế, chính trị, thương mại, hợp tác phát triển, văn hóa - xã hội và môi trường, một trong những mục tiêu chính của Hội nghị là xây dựng tầm nhìn mới trong giai đoạn tiếp theo sau 25 năm hình thành và phát triển, bám sát chủ đề của Hội nghị là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”.

“Tầm nhìn đó phải được dựa trên mối quan hệ đối tác nghị viện bền chặt hơn và hiệu quả hơn. Chúng ta phải khẳng định những cam kết hành động mới để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cơ chế hợp tác trong APPF và giữa APPF với các thể chế trong khu vực vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, bao trùm”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

         
“APPF-26 tại Hà Nội sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, thực hiện một Tầm nhìn mới về quan hệ đối tác nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương”
   Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Với chủ trương đối ngoại chung, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Quốc hội Việt Nam cũng vinh dự lần thứ hai được đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APPF và tổ chức Hội nghị APPF lần thứ 26.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ kỳ vọng, sự kiện đối ngoại quan trọng mở đầu một năm mới 2018 này sẽ góp phần truyền tải thông điệp và hình ảnh về Quốc hội Việt Nam năng động, tích cực; đồng thời tin tưởng rằng APPF-26 tại Hà Nội sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, thực hiện một Tầm nhìn mới về quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, vì một APPF hòa bình, sáng tạo, bền vững và có khả năng thích ứng cao hơn đối với những thay đổi nhanh chóng của khu vực và thế giới.

Chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, APPF cần tiếp tục đi đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác đa phương, xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề cập tới việc cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển, đi đầu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc để không ai bị bỏ lại phía sau, tập trung đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao để người dân và lực lượng lao động thích ứng tốt hơn trong thế giới toàn cầu hóa và số hóa.

Đồng thời, chú trọng bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu, góp phần xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm. Qua đó, duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong của khu vực trong tự do hóa thương mại và đầu tư.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng APPF sẽ nỗ lực cùng APEC và các cơ chế khu vực khác tăng cường hợp tác, tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết khu vực để tương lai của thế giới trong thế kỷ 21 thực sự được khởi nguồn từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Hội nghị ngày hôm nay cho thấy APPF đang hành động mạnh mẽ hơn góp phần xây dựng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng”- Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Toàn cảnh Lễ khai mạc APPF-26. Ảnh: APPF-26.vn

Cũng tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Gabriel Gabriela Cuevas Barron; Chủ tịch Quốc hội Fiji, chủ nhà của APPF-25 Jiko Luveni; đại diện Chủ tịch danh dự APPF Yasuhiro Nakasone, Trưởng đoàn Nghị viện Nhật Bản Takuji Yanagimoto đã có bài phát biểu trước toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị.

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị APPF-26, phiên họp Nữ nghị sỹ APPF đã diễn ra với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung”. Tại phiên họp, đã có 17 tham luận của các đại biểu đến từ các nghị viện thành viên APPF. Các ý kiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với phát triển bền vững và thịnh vượng, sự cần thiết của thúc đẩy bình đẳng giới ở tầm quốc gia, khu vực và thế giới.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã điều hành Phiên họp Ban chấp hành APPF-26.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Lễ khai mạc APPF-26 sẽ diễn ra vào ngày 18/1
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều nay (17/1), tại buổi họp báo thông tin về nội dung, chương trình nghị sự của Hội nghị thường niên lần thứ 26, Diễn đàn liên Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF-26), đại diện Ban Tổ chức cho biết, nước chủ nhà Việt Nam đã hoàn tất công tác chuẩn bị, đảm bảo sẵn sàng cho Hội nghị này.
  • Kiến nghị nhiều giải pháp “quản” các dự án BOT giao thông
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Qua kiểm toán 27 dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) những năm qua, KTNN đã phát hiện và chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án; lựa chọn nhà đầu tư; lựa chọn nhà thầu; đền bù giải phóng mặt bằng; quản lý chất lượng công trình, chi phí đầu tư, quản lý tiến độ, thanh quyết toán... Trên cơ sở đó, KTNN đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng đối với các cơ quan chức năng.
  • Đầu tư công sẽ được cơ cấu  lại bằng nhiều giải pháp
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Khung pháp luật chưa hoàn thiện, cơ cấu không hợp lý, vốn đầu tư cho khu vực nhà nước còn chiếm tỷ lệ cao, tiến độ giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư… Theo các nhà quản lý và giới chuyên gia, đó là những căn bệnh mà đầu tư công của nước ta đang mắc phải. Bởi vậy, Nhà nước cần có sự điều chỉnh chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp thì lĩnh vực này mới thật sự phát huy hiệu quả.
  • Thực trạng chi ngân sách Việt Nam: nhiều hệ lụy và thách thức
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong những năm qua, vấn đề chi NSNN đã từng bước được hoàn thiện theo hướng phân bổ hợp lý hơn, phân cấp mạnh hơn, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình... Tuy nhiên, vấn đề này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi một quá trình tái cơ cấu chi toàn diện và bền vững.
  • Chính thức đưa vào sử dụng trụ sở mới của Kiểm toán Nhà nước
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sau thời gian khẩn trương triển khai xây dựng, công trình trụ sở cơ quan KTNN (số 116 đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng. Trụ sở được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc cho trên 1.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.
Khai mạc Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương