Đề án Cải cách chính sách tiền lương: Trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước

(BKTO) - Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN” (gọi chung là Đề án) là 1 trong 3 đề án được thảo luận tại Hội nghị T.Ư 7 khóa XII (diễn ra từ ngày 07 - 12/5). Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng - Thường trực Tổ Biên tập Đề án - đã trao đổi với báo chí về những nội dung mới cũng như tác động của chính sách quan trọng này.



Thưa ông, chính sách về tiền lương đang được toàn xã hội quan tâm. Ông có thể cho biết một số nội dung mới, nổi bật của Đề án?

Trước hết, mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, Đề án xác định “tiền lương phải là thu nhập chính” bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình. Tại khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.

         
   
   
Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng Ảnh: N. Lộc
   
Đối với những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp), cơ quan và người lao động thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.

Đề án đưa ra thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương.

Đáng chú ý, hệ thống bảng lương mới được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay cho cách tính hiện hành và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.

Đề án cũng đề cập đến việc sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% trong tổng quỹ lương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học...

Vừa qua, đề nghị tăng lương cho các đối tượng nghề nghiệp như bác sỹ, giáo viên đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Chính sách lương của các đối tượng này có thay đổi gì đặc biệt theo Đề án, thưa ông?

Đây đúng là những đối tượng nghề nghiệp được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ tăng lương, bởi công việc của họ có tính chất đặc thù cao.
Hiện nay, đối với giáo dục, viên chức được hưởng phụ cấp theo nghề từ 25 - 70% và hưởng thêm phụ cấp thâm niên nhà giáo. Viên chức ngành y tế cũng được hưởng phụ cấp như vậy, ngoài ra, họ còn có nguồn thu từ người bệnh đóng góp và Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nhìn chung, mức lương nhận được của các đối tượng nghề nghiệp này còn thấp.

Trong Đề án, chúng tôi có nghiên cứu tổng thiết kế toàn bộ hệ thống bảng lương cũng như phụ cấp đối với tất cả ngành nghề. Khi trình T.Ư, chúng tôi chỉ trình nguyên tắc. Sau đó, trên cơ sở nghị quyết T.Ư được thông qua, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng các văn bản cụ thể để quy định bảng lương, chế độ phụ cấp, tiền thưởng và cơ chế tạo nguồn cho việc cải cách tiền lương. Cho nên, vấn đề lương, phụ cấp của ngành giáo dục hay y tế sẽ được các cơ quan chức năng thể chế hoá sau khi T.Ư ban hành nghị quyết.

Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu điều chỉnh chính sách tiền lương, để đảm bảo tính khả thi, tránh xáo trộn, việc tăng lương đặc thù cho các đối tượng nghề nghiệp này sẽ chưa được đề cập.

Đề án đã tính toán đến tính khả thi ra sao, đặc biệt là nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương, thưa ông?

Để thực hiện những đổi mới này, Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách chính sách tiền lương, Bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã đưa ra hàng loạt giải pháp như việc hoàn thiện xây dựng hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm.
Đối với giải pháp về tài chính, Ban Chỉ đạo kiến nghị ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách T.Ư cho cải cách tiền lương.

Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm phải được tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách sau năm 2020. Các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ NSNN sẽ phải bãi bỏ. Như vậy, với lộ trình sắp xếp bộ máy và quy mô quỹ chi thường xuyên tăng, trong đó đã ấn định quỹ lương, chúng ta sẽ có nguồn để cải cách tiền lương.

Những giải pháp này hoàn toàn khả thi và đã sớm được các cơ quan liên quan lên phương án chuẩn bị. Điển hình như vừa qua, Bộ Nội vụ đã công bố Dự thảo Tờ trình Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố. Theo đó, ngoài Hà Nội và TP. HCM, các địa phương khác sẽ thực hiện sáp nhập và chỉ còn 17 - 19 sở, ngành. Việc thực hiện phương án này sẽ giảm tối thiểu được 46 sở, ngành trên toàn quốc, đồng nghĩa với hàng trăm vị trí lãnh đạo và hàng nghìn biên chế được cắt giảm.

Bên cạnh đó, công tác đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập cũng đang được đẩy mạnh theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm gánh nặng cho ngân sách, từ đó tạo nguồn để tăng lương theo Đề án.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 10/5/2018
Cùng chuyên mục
  • Khai mạc Triển lãm “60 năm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch”
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Triển lãm do Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức sáng nay tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP. Hà Nội). Sự kiện là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018).
  • An sinh bền vững cho người lao động
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đề án Cải cách chính sách BHXH sẽ được trình Hội nghị T.Ư 7 sắp tới. Đây được coi là giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo cho “trụ cột” của hệ thống an sinh xã hội phát triển bền vững, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
  • Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975: Dấu ấn từ công tác tham mưu - tác chiến
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã trở thành trang sử vẻ vang của dân tộc. Thắng lợi này là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó có công tác tham mưu - tác chiến. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu) đã xúc động kể cho chúng tôi về những dấu ấn của đơn vị tác chiến trong ngày tháng hào hùng ấy.
  • Gắn bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với phát triển du lịch
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đi vào trong tâm thức của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Sức hút vốn có của loại hình tín ngưỡng này, cùng với những thắng cảnh và văn hóa độc đáo của vùng đất Tổ, định hướng phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn di sản được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan.
  • Quyết tâm chống dược phẩm giả
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố mới đây, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) Bộ Y tế - nêu rõ: Hiện nay, các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, thời gian gần đây, mặt hàng dược phẩm giả, kém chất lượng được các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện.
Đề án Cải cách chính sách tiền lương: Trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước