Hiệu quả thấp, chất lượng kém
Đề án Dạy và học ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng được phê duyệt năm 2008 có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, trong đógiai đoạn 2008-2010 là 1.060 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 là gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 4.300 tỷ đồng; với mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực; đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học (ĐH) có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, làm việc trong môi trường hội nhập, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.
Việc đảm bảo thời lượng dạy và học tiếng Anh bậc tiểu học theo Đề án vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra
Thế nhưng, sau 8 năm thực hiện, đến nay Đề án làm được những gì? Chỉ nói riêng việc dạy và học ngoại ngữ ở cấp tiểu học đã cho thấy nhiều bất cập. Theo lộ trình đến năm 2018, tiếng Anh sẽ là môn học bắt buộc từ khối lớp 3 và đảm bảo thời lượng dạy 4 tiết/tuần. Thế nhưng, năm học 2015-2016, cả nước mới có khoảng 1,6 triệu học sinh lớp 3, 4, 5 trong tổng số gần 7,8 triệu học sinh đảm bảo được thời lượng học như trên, còn lại phổ biến là thời lượng học 2 tiết/tuần, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra. Với số lượng hơn 21 nghìn giáo viên dạy tiếng Anh như hiện nay, trong đó số lượng đạt chuẩn về năng lực chỉ khoảng 49% thì mục tiêu đảm bảo thời lượng, chất lượng giảng dạy theo Đề án còn quá xa vời.
Nhìn lại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vài năm gần đây, tỷ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình môn tiếng Anh luôn ở mức cao. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, chương trình dạy và học tiếng Anh chưa chuyển dịch theo hướng phát triển các kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ, nên khi Bộ GD&ĐT thực hiện đổi mới cách thức ra đề như kỳ thi vừa qua, có đến trên 90% thí sinh bị điểm dưới trung bình. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng thừa nhận tại Hội nghị triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020 rằng, chất lượng Đề án còn thấp, đặc biệt là tiếng Anh. Bộ trưởng cho rằng: “Dạy và học ngoại ngữ mà chưa chuẩn thì thà không dạy còn hơn”!.
Xem xét lại việc dạy và học ngoại ngữ
Đề án chỉ còn 4 năm nữa là kết thúc. Tuy nhiên, với những gì mà Đề án mang lại vừa qua đang đặt ra nhiều lo ngại cho giai đoạn triển khai tiếp theo. Điểm lại những hạn chế của Đề án, PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho rằng, ngoài lớp học thì môi trường thực hành ngoại ngữ của sinh viên hầu như không có, tình trạng học chay diễn ra suốt nhiều năm liền. Trong khi đó, ông Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên còn chưa được chú trọng; từ chương trình đào tạo đến khâu kiểm tra đánh giá, xây dựng chuẩn đầu ra còn lúng túng, chậm đổi mới… Theo ông Minh, đây chính là những hạn chế khiến cho chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn chưa đạt mục tiêu đề ra cũng như chưa đạt chuẩn về chất lượng.
Trong bức thư ngỏ gửi Bộ Chính trị về quốc sách cho tiếng Anh mới đây, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung mong mỏi: “Bộ Chính trị sớm ban hành được một chỉ thị tương tự như Chỉ thị 58 (Chỉ thị về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá) nhưng về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh”. “Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, xem xét, tham khảo, vận dụng những kinh nghiệm quý báu của chính đất nước ta (từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh), của Singapore để có quốc sách phù hợp cho tiếng Anh” - ông đề xuất trong thư.
Điều đáng nói, khi kết quả thực hiện Đề án thời gian qua còn chưa đi đến đâu thì trong lộ trình triển khai dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, Bộ GD&ĐT đưa ra mục tiêu thí điểm dạy các tiếng Nga, Trung, Nhật như ngoại ngữ 1 và tiếng Pháp, Hàn, Đức như ngoại ngữ 2. Thông tin này lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và giới chuyên gia. Bà Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt bức xúc: “Ngôn ngữ nào cũng quý, song phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng mọi phương diện trước khi triển khai. Chúng ta không thể đem trẻ nhỏ ra làm chuột bạch như các thế hệ trước đây”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc cần làm lúc này của Bộ GD&ĐT, đó là tổ chức tổng kết, đánh giá nghiêm túc những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện Đề án các giai đoạn trước để rút ra bài học cho giai đoạn tiếp theo cũng như xem xét việc có thí điểm dạy nhiều ngoại ngữ hay không, thay vì gieo vào đầu người dân và xã hội sự hoài nghi về chất lượng của Đề án như vừa qua.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC