Để các Chương trình mục tiêu quốc gia sớm phát huy hiệu quả

(BKTO) - Thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và đề nghị Chính phủ khẩn trương có giải pháp tháo gỡ, để các Chương trình sớm phát huy hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của người dân.

yen.jpg
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên chỉ ra vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là giải ngân vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: PHẠM THẮNG

Gỡ vướng trong giải ngân vốn

Theo đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) từ năm 2020, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 03 CTMTQG, trong đó có CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành tập trung phát huy mọi nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Năm 2023 là năm thứ hai các địa phương được Trung ương giao nguồn vốn thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Đáng chú ý là nguồn vốn Chương trình năm 2022 giao chậm, số vốn phải chuyển nguồn kéo dài sang giải ngân năm 2023 là khá lớn nên khối lượng công việc nhiều, gây áp lực lớn cho việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn năm 2023.

Chỉ rõ hơn những bất cập, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho biết, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Vốn sự nghiệp được giao chi tiết cho từng địa phương theo từng dự án thành phần, giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương.

“Nội dung cần chi thì không được phân bổ, có những nội dung thì được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi, không thể giải ngân được. Địa phương không được tự điều chỉnh do thẩm quyền này là của Trung ương” - đại biểu Yên nêu thực tế.

Theo đại biểu, việc giao vốn như hiện nay không sai so với quy định của pháp luật hiện hành nhưng làm giảm tính chủ động của địa phương và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách.

Vì vậy, đề nghị Quốc hội có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của CTMTQG theo hướng cho phép địa phương được chủ động điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Vì nếu thực hiện các thủ tục trình Trung ương điều chỉnh sẽ mất rất nhiều thời gian.

Khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện

Các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ trong triển khai các CTMTQG là do các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa thống nhất dẫn đến lúng túng trong triển khai.

5_oct_2021_040959_gmtsx-lua-db.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất quan tâm, kỳ vọng vào việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh sưu tầm

Theo đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang), việc thực hiện các CTMTQG, đặc biệt là CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 được cử tri, nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng, đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, còn một số dự án thành phần của Chương trình chưa có hướng dẫn, chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoặc có nhưng còn mâu thuẫn, không thống nhất dẫn đến các địa phương lúng túng, chậm triển khai, tiến độ giải ngân đạt thấp gây lãng phí, giảm hiệu quả vốn sử dụng, làm chậm tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, kế hoạch, tạo áp lực giải ngân vốn cho các địa phương, trong khi nguồn vốn thực hiện Chương trình là rất lớn.

Chậm triển khai một ngày là thêm một ngày người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chờ đợi để được tiếp nhận chính sách và thêm một ngày nguồn lực đầu tư cho Chương trình bị lãng phí.

Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương

“Đã bước sang năm thứ ba thực hiện Chương trình, các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho người dân chưa được triển khai; chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng, cán bộ tham gia thực hiện Chương trình chưa có cơ sở thực hiện, trong khi đây là nhiệm vụ phải đẩy mạnh” - đại biểu Tráng A Dương chỉ rõ.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương đẩy mạnh việc ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo quy trình, thủ tục rút ngắn, đảm bảo tình hình thực hiện thực tiễn phù hợp với năng lực thực thi của cấp cơ sở.

Với tư cách là thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện các CTMTQG, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cũng cho biết, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình giữa trung ương, các Bộ, ngành về cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, còn một số nội dung hướng dẫn thực hiện dự án thuộc các CTMTQG chưa rõ ràng hoặc chưa phù hợp với đặc thù của địa phương; cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng chưa được rõ ràng, chưa có quy định tạo điều kiện cho các địa phương được cân đối ngân sách…

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện cơ chế quản lý các CTMTQG còn gặp nhiều khó khăn. Việc đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải ngân dự toán, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước về các CTMTQG còn chưa đầy đủ, chưa có dữ liệu phản ánh kết quả giải ngân kinh phí thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước của 03 Chương trình; chưa đánh giá được kết quả thực hiện các nội dung, hoạt động, mục tiêu, nhiệm vụ…

Để thúc đẩy tiến độ triển khai các CTMTQG, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, trong thời gian tới, quan trọng nhất là cần tiến hành ngay việc đánh giá kỹ lưỡng và cụ thể hơn nữa đối với công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành cùng các cơ quan hữu quan.

Cùng với đó, cần nghiên cứu và đổi mới cơ chế quản lý, huy động nguồn lực, đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho CTMTQG và thu hút sự tham gia tích cực của các đối tượng liên quan; có những cơ chế mới trong việc lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Các cơ quan cần chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thực hiện các Chương trình; thực hiện chế độ báo cáo với Đoàn Giám sát của Quốc hội, phối hợp cung cấp thông tin đầy đủ cho các cơ quan thanh tra, kiểm toán trong thực hiện các kế hoạch kiểm toán, thanh tra chuyên đề về CTMTQG...

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến

Đại biểu cũng đề nghị cần xây dựng tiêu chí khuyến khích cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng về thoát nghèo, giảm nghèo bền vững; quan tâm nâng cao hiệu quả nguyên tắc bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; hướng dẫn quy định về xây dựng cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện một số hoạt động của Chương trình.

Đồng thời, tăng cường hoạt động tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân, các đối tượng liên quan và chính quyền, đoàn thể ở cơ sở trong việc thực hiện các CTMTQG, để đảm bảo thực hiện đồng bộ, nhất quán, thông suốt các Chương trình quan trọng này./.

Cùng chuyên mục
Để các Chương trình mục tiêu quốc gia sớm phát huy hiệu quả