Để có thêm những phim Nhà nước đặt hàng được “cháy” vé

(BKTO) - Sau hơn 10 ngày khởi chiếu, lượng khán giả xem phim “Đào, phở và piano” tăng đột biến dẫn đến tình trạng "cháy" vé, hệ thống bán vé online bị sập vì quá tải… Đây là một hiện tượng hiếm khi xảy ra với phim do Nhà nước tài trợ và cũng là tín hiệu vui cho phim Nhà nước.

1_18.jpeg.jpg
Một cảnh trong phim "Đào, phở và piano". Ảnh: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia

Câu chuyện của phim “Đào, phở và piano” tiếp tục gợi mở những bài học để nâng hiệu quả đầu tư, đưa phim Nhà nước đặt hàng trở lại với đúng vị thế từng có.

Khi phim nghệ thuật chinh phục công chúng…

Bộ phim “Đào, phở và piano” chính thức được công chiếu từ ngày 10/2 (mùng 1 Tết Giáp Thìn) với 3 suất chiếu/ngày. Từ mùng 7 Tết, sau những bài review tích cực trên mạng xã hội về bộ phim, lượng khán giả kéo đến rạp tăng đột biến, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã liên tục tăng suất chiếu đến 18 suất/ngày nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người xem. Do số lượng khách truy cập đặt mua vé quá đông, hệ thống bán vé online gặp sự cố, bộ phim này chỉ được bán vé trực tiếp tại quầy.

“Đã rất lâu rồi, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia mới đón nhận phản hồi tích cực của khán giả về một bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất” - Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Phúc Diên cho biết. 

Một điều đáng mừng nữa, theo lãnh đạo Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là, ngay sau khi bộ phim kết thúc, khán giả đã dành cho bộ phim những tràng pháo tay không ngớt, thậm chí có nhiều bạn trẻ đã xúc động khi xem bộ phim. 

Còn giới chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh đánh giá, đây là một điều hiếm gặp đối với phim Việt, đặc biệt là những bộ phim do Nhà nước đặt hàng trong thời gian gần đây, khi hầu hết các phim đều trong cảnh vắng khán giả. 

phim-dao-pho-va-piano-chay-ve20240221082221(1).jpg
"Cháy" vé - một cảnh hiếm gặp của phim Nhà nước. Ảnh: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia

Phim “Đào, phở và piano” là tác phẩm của biên kịch, đạo diễn Phi Tiến Sơn, do Nhà nước đặt hàng, đầu tư kinh phí 20 tỷ đồng với sự hiện diện của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng trong giới nghệ thuật như: Nghệ sỹ nhân dân (NSND) Trung Hiếu, diễn viên Anh Tuấn, diễn viên Doãn Quốc Đam, ca sỹ Tuấn Hưng,... Phim lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” chống giặc Pháp.

Bộ phim kể về mối tình lãng mạn của anh tự vệ Văn Dân (Doãn Quốc Đam đóng) và cô tiểu thư Hà thành Thục Hương (Cao Thùy Linh đóng). Họ đã vượt qua gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ...

Khi nhu cầu tăng cao, từ ngày 22/2, phim “Đào, phở và piano” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép phát hành trên toàn quốc, thay vì tại một điểm rạp như vừa qua. Tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, mặc dù tăng lên 18 suất chiếu/ngày nhưng vé bán của bộ phim đã được bán đến hết ngày 27/2.

Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Phúc Diên

Trong khoảng hai thập niên trở lại đây, trước “Đào, phở và piano”, công chúng cũng từng “phát sốt” với bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất khác là phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ (công chiếu năm 2015).

Trong những ngày đầu công chiếu tại hệ thống các rạp, bộ phim đã tạo nên một cơn sốt khi trong hầu hết các suất chiếu, các rạp đều chật kín khán giả đến xem với tâm trạng háo hức, mong chờ một bộ phim Việt tử tế, vừa phù hợp với thị hiếu khán giả vừa có giá trị nghệ thuật cao.

Điểm chung của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, lẫn “Đào, phở và piano” không chỉ là tạo sức hút với khán giả, mà các bộ phim này đều được đánh giá rất cao về nghệ thuật như phim “Đào, phở và piano” từng đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23; phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đoạt Giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, đoạt Giải “Phim hay nhất” tại Liên hoan Phim quốc tế Silk Road 2015 ở Phúc Châu - Trung Quốc. Phim này đã được Fortissimo Films mua bản quyền phát hành quốc tế và được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2015…

Lấy lại vị thế của phim Nhà nước…

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong khoảng chục năm gần đây, phim do Nhà nước đặt hàng vừa đảm bảo tính nghệ thuật, vừa thu hút công chúng là tương đối hiếm gặp. Phần lớn các phim dùng ngân sách để sản xuất dù được đánh giá cao về tính nghệ thuật (thể hiện qua các giải thưởng), nhưng lại vắng người xem…

Theo đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn, hiện trên thị trường tồn tại hai dòng phim, phim Nhà nước đặt hàng để giáo dục truyền thống, quảng bá giá trị văn hóa của dân tộc và phim tư nhân sản xuất dựa trên nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Tuy nhiên, phim tư nhân luôn thắng thế không chỉ ở doanh thu mà cả các giải thưởng nghệ thuật. Điều này đang đặt ra những áp lực phải đổi mới phim đặt hàng hơn bao giờ hết, từ đó lấy lại vị thế của phim Nhà nước…

20240217_154453.jpg
Hàng dài người dân xếp hàng chờ mua vé. Tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, do hệ thống truy cập quá tải, vé phim "Đào, phở và piano" chỉ được bán trực tiếp tại quầy. Ảnh: N.Lộc

Lý giải cho tình trạng phim Nhà nước đầu tư lớn, song vẫn không được công chúng đón nhận, nhiều chuyên gia cho rằng, cách quản lý của một số hãng phim Nhà nước còn nặng tư duy bao cấp, dẫn đến góc nhìn khi làm phim còn chưa quan tâm đến nhu cầu của công chúng; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho làm phim thiếu hợp lý... Do đó, cần phải có cơ chế phù hợp để phát huy khả năng sáng tạo của nghệ sỹ mà vẫn theo sát định hướng của Nhà nước.

Minh chứng rất rõ là hai bộ phim “Đào, phở và piano” và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” vừa qua, khi đơn vị làm phim tư nhân tham gia, hoặc đơn vị sản xuất đã trao quyền chủ động cho đạo diễn…

“Hàng chục tỷ đồng được đầu tư vào sản xuất phim, song phim lại xếp kho, không đến được với công chúng là sự lãng phí rất lớn, mà hiệu quả tuyên truyền cũng không đạt được” - một đạo diễn có tiếng trong giới điện ảnh cho biết.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước cho rằng, các quy định hiện hành về đặt hàng phim tương đối chặt chẽ. Điều quan trọng là tư duy của nhà quản lý, đơn vị sản xuất phải thay đổi, trong đó cần có hình thức giao khoán đến sản phẩm cuối cùng, lấy chất lượng phim, lấy tính nghệ thuật và công chúng là thước đo, thay vì chỉ là nghiệm thu, quyết toán rồi để đó. “Những bài học kinh nghiệm từ các bộ phim Nhà nước đặt hàng thành công như vừa qua cần được đánh giá, phân tích kỹ lưỡng để có đúc rút cho các trường hợp lần sau” - đạo diễn Nguyễn Thước lưu ý.

Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa, điện ảnh - một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất cần phải đẩy mạnh đổi mới hơn nữa để mang đến giá trị, sức ảnh hưởng lớn hơn, từ đó góp phần tạo "sức mạnh mềm" phát triển đất nước bền vững, cũng như góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới. 

Cùng chuyên mục
Để có thêm những phim Nhà nước đặt hàng được “cháy” vé