Hợp tác công - tư trong phát triển du lịch: Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Tăng cường hợp tác công - tư sẽ góp phần thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch để đổi mới điểm đến, sản phẩm, cũng như hướng tới phát triển du lịch bền vững…

15.jpg
Tăng cường hợp tác giữa các bên để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch Việt. Ảnh: N. LỘC

Phát triển “nóng”, thiếu nguồn lực do thiếu hợp tác

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của các bên là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác công - tư sẽ góp phần bổ sung thêm nguồn lực cho sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch và giải quyết nhiều thách thức khác.

“Các doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan quản lý điểm đến cùng tập trung phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, cũng như nắn dòng sản phẩm theo kịp xu hướng thị trường, quản lý điểm đến du lịch bền vững, tránh phát triển nóng” - ông Siêu nhấn mạnh.

Hợp tác công - tư bản chất là khai thác tốt nhất lợi thế của nhau để cùng phát triển. Khối công có chính sách, khối tư có nguồn lực tài chính, nếu kết hợp tốt thì đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để ngành du lịch tạo ra đột phá. Ngược lại, khi phối hợp không tốt sẽ dẫn đến những hệ lụy không mong muốn, gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương, đất nước.

PGS,TS. Phạm Trung Lương

Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu thực trạng, do thiếu hợp tác từ các bên nên ngành du lịch không thể huy động, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư để phát triển, phục hồi sau đại dịch, từ đó hạn chế khả năng cạnh tranh với các thị trường trong khu vực, cũng như để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. “Nhiều doanh nghiệp có nguồn lực lớn, quan tâm đến du lịch nhưng chưa dám đầu tư do lo ngại rủi ro” - ông Bình nói và cho biết thêm, nếu được địa phương đưa ra cơ chế hợp tác phù hợp, doanh nghiệp sẽ có thêm niềm tin để tham gia.

Còn theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, quản lý điểm đến là vấn đề “nóng” ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tại các vùng trọng điểm du lịch của Việt Nam. Dẫn chứng từ câu chuyện của Phú Quốc bị sụt giảm mạnh lượng khách du lịch vừa qua do phát triển quá “nóng”, không chú ý đến việc quản lý điểm đến, doanh nghiệp mạnh ai nấy làm. Vì vậy, “hợp tác công - tư trong quản lý điểm đến cực kỳ quan trọng, giúp cho quản lý điểm đến, xây dựng hình ảnh thương hiệu điểm đến được tốt hơn nhưng để làm được điều này đòi hỏi các bên liên quan phải chủ động tham gia” - ông Tuấn cho biết.

PGS,TS. Phạm Trung Lương - chuyên gia trong lĩnh vực du lịch - cho rằng, hợp tác công - tư bản chất là khai thác tốt nhất lợi thế của nhau để cùng phát triển. Khối công có chính sách, khối tư có nguồn lực tài chính, nếu kết hợp tốt thì đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để ngành du lịch tạo ra đột phá. Ngược lại, khi phối hợp không tốt sẽ dẫn đến những hệ lụy không mong muốn, gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương, đất nước.

Phải đẩy mạnh hợp tác công - tư…

Tăng cường hợp tác công - tư trong phát triển du lịch là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra và coi là giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu cần thúc đẩy các mô hình quản trị tích hợp công - tư trong phát triển du lịch; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận vốn…

Dù đã có những điểm sáng, nhưng nhìn chung, vấn đề hợp tác công - tư trong phát triển du lịch vẫn còn khá hạn chế. Nguyên nhân được xác định là do hệ thống chính sách chưa đủ mạnh, môi trường kinh doanh chưa tạo được sức hút với khối tư nhân, nhất là trong giai đoạn toàn ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19…

Qua thực tiễn triển khai, nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết, dù rất muốn tham gia hợp tác với địa phương, cơ quan quản lý trong đầu tư phát triển du lịch, song nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế hợp tác còn chưa rõ ràng. Quy định pháp luật về hợp tác công - tư chưa chi tiết được khu vực công làm gì, khu vực tư làm gì; việc phân chia nguồn thu khi cùng hợp tác đầu tư, khai thác điểm đến chưa rõ…, tạo rào cản trong hợp tác công - tư. Cơ sở pháp lý cao nhất là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư hiện không đề cập đến lĩnh vực văn hóa, du lịch…

Để tháo gỡ những nút thắt trong vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, trước tiên phải tạo dựng được môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Trong đó, đảm bảo tính lành mạnh, minh bạch, bình đẳng và an toàn cho các hoạt động du lịch để doanh nghiệp tin tưởng, yên tâm đầu tư là điều kiện tiên quyết. “Gỡ vướng từng bước, thực thi đồng bộ, thực chất các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai…, sẽ tạo sức hút cho doanh nghiệp” - ông Lương khuyến nghị.

Từ kinh nghiệm quốc tế, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư trong phát triển du lịch, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước phải thể hiện vai trò chủ động trong việc nắm bắt tình hình để ban hành chính sách, điều phối quan hệ hợp tác. Trong triển khai hợp tác, cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, cũng như có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp; kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo niềm tin cho doanh nghiệp./.

Với phương châm “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”, Chính phủ yêu cầu các ngành, doanh nghiệp du lịch cần tăng cường hợp tác công - tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch.

Cùng chuyên mục
Hợp tác công - tư trong phát triển du lịch: Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ