Đề xuất tăng học phí đại học năm học 2023-2024

(BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước (Nghị định 81). Theo đó, Bộ đề xuất tăng học phí bậc đại học, giữ nguyên học phí bậc phổ thông trong năm học 2023-2024.

de-xuat-tang-hoc-phi.jpg
Bộ GDĐT đề xuất tăng học phí bậc đại học, giữ nguyên học phí bậc phổ thông trong năm học 2023-2024. Ảnh minh họa

Theo Tờ trình, Bộ GDĐT nêu khó khăn, nếu học phí năm học 2023-2024 thực hiện theo Nghị định 81 thì mức trần sẽ tăng cao, có khối ngành tăng lên gần 100% so với năm học trước, việc này trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội.

Nguyên nhân của việc tăng cao này do ba năm qua (2021, 2022, 2023), Chính phủ đã yêu cầu các trường đại học, các địa phương không tăng học phí so với năm 2020 nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch Covid-19.

Do vậy, lộ trình học phí theo Nghị định 81 kể từ khi ban hành năm 2021 đến nay chưa được áp dụng, mức thu học phí đã không tăng trong 3 năm học vừa qua.

Tháng 8/2023, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GDĐT lấy ý kiến của các địa phương, các trường đại học, chuyên gia về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 81 cho phù hợp tình hình thực tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, học phí năm học 2023-2024 cần phải được điều chỉnh tăng để bảo đảm nguồn lực nâng cao chất lượng GDĐT, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm.

Trong đó, với các trường đại học công lập, nguồn thu từ học phí chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn hạn chế. Vì vậy, nhiều trường đề nghị phải tăng học phí để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.

Cũng tại Tờ trình, Bộ GDĐT đề xuất mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu đồng như Nghị định 81. Mức thu hiện nay là từ 980.000 đồng đến 1,43 triệu đồng.

Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tương đương khoảng 2,4-6,15 triệu đồng/tháng.

Bộ GDĐT cũng trình phương án giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục.

Đối với các trường phổ thông chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024, Bộ GDĐT đề xuất mức trần học phí dao động từ 30.000-650.000 đồng/tháng tùy cấp học và khu vực. Mức này đã được nhiều địa phương áp dụng từ năm học vừa qua. Với cơ sở giáo dục đã tự chủ, mức trần tối đa gấp 2-2,5 lần mức trên.

Theo Bộ GDĐT, căn cứ vào mức trần này và tình hình địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định khung học phí bậc mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn…/.

Cùng chuyên mục
  • Sửa đổi quy định về sử dụng người lao động nước ngoài
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
  • Tăng cường mở rộng, gắn với liên kết hợp tác xã theo chuỗi giá trị
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Không chỉ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng, việc phát triển các hợp tác xã (HTX) còn mang lại thu nhập đáng kể, bền vững đối với nông dân. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục mở rộng hệ thống HTX, đi đôi với việc đổi mới, tăng cường liên kết chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX...
  • Học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm được hưởng đầy đủ quyền lợi
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhiều năm liên tục đạt chỉ tiêu 100% học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), để phấn đấu tiếp tục giữ vững thành tích này, đảm bảo HSSV tham gia BHYT được hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong năm học mới 2023 - 2024, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp.
  • Thành phố Hồ Chí Minh tổng kiểm tra các chung cư mini, nhà trọ
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Mới đây, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 4452 về triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn.
  • Gia tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đề xuất bổ sung thêm nhiều quyền lợi để mở rộng diện bao phủ và khuyến khích người lao động tham gia lâu dài. Bên cạnh đó, để thúc đẩy người lao động phi chính thức và lao động di cư tham gia BHXH tự nguyện, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ trợ cấp thai sản phù hợp hơn, có các chế độ trợ cấp cho trẻ em.
Đề xuất tăng học phí đại học năm học 2023-2024