Đề xuất tăng khoảng 20% một số mức phí trong lĩnh vực y tế

(BKTO) - Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế thay thế Thông tư số 278/2016/TT-BTC quy định phí trong lĩnh vực y tế (Thông tư 278).

kham-nhi-tai-nha.jpg
Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thu phí thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị y tế loại C, D từ 5 triệu đồng lên 5,9 triệu đồng/hồ sơ (tăng 20% so với quy định hiện hành). Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính cho biết, theo đề xuất của Bộ Y tế, mức thu phí một số nội dung tại Thông tư  278 còn thấp.

Theo Bộ Y tế, đến nay, qua 9 năm thực hiện Thông tư 278, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 30%, lương cơ bản tăng 40%; tiền phí thu được không đủ bù đắp chi phí thuê chuyên gia thẩm định, hội đồng tư vấn, chi phí cho các đoàn đánh giá, chi phí thuê kho lưu trữ, cước bưu chính, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, vận chuyển hồ sơ...

Việc quản lý trang thiết bị y tế được yêu cầu chặt chẽ hơn so với trước đây, hồ sơ, tài liệu, thời gian và công việc thẩm định nhiều hơn, từ đó, đã phát sinh thêm chi phí thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế, cần thiết nghiên cứu sửa đổi Thông tư 278, bảo đảm mức thu phí phù hợp với khối lượng công việc, chi phí phát sinh và thù lao chi trả cho cán bộ y tế.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị điều chỉnh tăng mức phí thêm 50% so với mức thu quy định tại Thông tư 278. Cụ thể, chi phí thực hiện thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị y tế loại C, D gồm: Chi phí thẩm định hồ sơ, chi phí quản lý trực tiếp và chi phí quản lý hành chính.

Về đề xuất trên của Bộ Y tế, Bộ Tài chính cho rằng, kết quả rà soát Bảng giải trình của Bộ Y tế cho thấy, một số chi phí để xây dựng mức phí chưa phù hợp với quy định về sử dụng tiền phí được để lại theo quy định của pháp luật phí.

Ví dụ: Chi thẩm định hồ sơ pháp lý; rà soát, chuẩn bị hồ sơ họp; rà soát cấp số lưu hành (do công chức của Vụ Trang thiết bị y tế thực hiện, đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước); chi phí cho đoàn kiểm tra; đào tạo chuyên gia; mua tài liệu chuyên môn cho chuyên gia.

Do đó, việc đưa các nội dung chi này vào chi phí để xây dựng mức thu phí là chưa phù hợp với pháp luật phí.

Theo Bộ Y tế, sau khi trừ các chi phí chưa phù hợp nêu trên thì chi phí để thực hiện thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị y tế loại C, D khoảng 5,9 triệu đồng/hồ sơ.

Để góp phần bảo đảm chi phí thực hiện thẩm định, phù hợp với khối lượng công việc và chi phí phát sinh, Dự thảo Thông tư do Bộ Tài chính vừa hoàn thiện đã điều chỉnh tăng mức thu phí thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị y tế loại C, D từ 5 triệu đồng lên 5,9 triệu đồng/hồ sơ (làm tròn thành 6 triệu đồng, tăng 20% so với quy định hiện hành).

Cụ thể, phí thẩm định cấp giấy phép lưu hành, nhập khẩu, xuất khẩu, công bố trang thiết bị y tế: Thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị y tế loại C, D là 6 triệu đồng/hồ sơ (mức cũ là 5 triệu đồng).

Dự thảo cũng đề xuất tăng mức thu "Thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh".

Dự kiến, mức tăng 20% so với mức thu hiện hành. Theo đó, mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh tăng từ 360.000 đồng lên 432.000 đồng/lần (làm tròn thành 430.000 đồng/lần).

Cùng chuyên mục
Đề xuất tăng khoảng 20% một số mức phí trong lĩnh vực y tế