Chuyện trên nhữngcung đường “Hạnh phúc”
Đoàn chúng tôi xuất phát từ Hà Nội, theo Quốc lộ 2 thẳng tiến về TP. Hà Giang. Quãng đường hơn 300km tương đối bằng phẳng nên sau khoảng 6 giờ chạy xe, chúng tôi đã có mặt tại thành phố. Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang - cơ quan trực tiếp quản lý, triển khai các dự án thuộc Chương trình 135 - tiếp đón Đoàn bằng những cái bắt tay thật chặt.
Nhấp chén trà nóng, anh Lại Xuân Nghị - Trưởng phòng Thẩm định I (Vụ Pháp chế), Trưởng Đoàn kiểm toán - cho biết: Năm 2015, Hà Giang nhận được nguồn viện trợ từ Chính phủ Ailen cho Chương trình 135 là 20 tỷ đồng. Đến nay, 10/10 dự án thuộc chương trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhiệm vụ của Đoàn kiểm toán là xác nhận tính đúng đắn, trung thực của số liệu, tài liệu kế toán liên quan đến các dự án này. Đánh giá hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện dự án. Đồng thời, qua kiểm toán KTNN sẽ phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra thực tế công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Nậm Ban được xây dựng từ nguồn vốn của Chính phủ Ailen tài trợ.
Ảnh: THANH TÙNG
Đặc biệt nhất là lên Cao nguyên đá mùa này, người ta có cảm giác như lạc vào giấc mơ hoa tuyệt đẹp của miền sơn cước. Hai bên đường đi, hoa tam giác mạch trải dài từng vạt lớn trắng muốt trên những triền núi, rung rinh trong gió đèo. Những bông hoa miền biên viễn trắng đẹp đến nao lòng như là một tạo vật đẹp đẽ mà đất trời đã ban tặng cho nơi đây.
Có điều, cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang Hoàng Đức Tiến tâm sự: Cao nguyên đá Hà Giang gồm 4 huyện vùng cao: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, có diện tích gần 600km2, trong đó có tới 3/4 diện tích là núi đá vôi và đá tai mèo. Ở đây, mạch nước ngầm hiếm hoi, khả năng trữ nước trên núi đá kém nên hạn hán quanh năm, người dân luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và canh tác. Mùa khô, nhiều nơi người dân phải lặn lội đi bộ rất xa để lấy một vài can nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Những giọt nước mát lànhở Nậm Ban
Sau hơn 4 giờ ngồi xe, Đoàn cũng đến được trụ sở UBND xã Nậm Ban. Đưa tay hứng dòng nước mát lành chảy từ bể nước ra khỏa lên mặt, những mệt nhọc của chuyến hành trình dài qua bao núi đèo bỗng chốc như tan biến. UBND xã nằm gọn trong một thung lũng nhỏ, bốn bề là đồi núi. Trong khuôn viên của Ủy ban xã có 3 trường học: Mầm non, Tiểu học và THCS bán trú. Tiếng học sinh nô đùa vang vọng cả núi rừng.
Tiếp Đoàn chúng tôi, Bí thư Đảng bộ xã Mông Tiến Bộ hồ hởi: Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Nậm Ban được xây dựng từ nguồn vốn của Chính phủ Ailen tài trợ, có tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng. Công trình được hoàn thành vào giữa năm 2017, bể lọc có sức chứa 50m3. Công trình đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của 86 hộ dân lân cận, 3 trường học với khoảng 600 cháu và khối văn phòng UBND xã. Nhân dân rất phấn khởi và ủng hộ chương trình. Có lẽ vui nhất là các em học sinh bán trú, việc tắm giặt, ăn uống cũng trở nên thuận tiện và vệ sinh hơn.
Chị Trương Thị Minh - đại diện Đại sứ quán Ailen - cho biết: Có thể thấy, việc xây dựng công trình cấp nước tại trung tâm xã Nậm Ban là cấp bách, phục vụ trực tiếp cuộc sống người dân, bước đầu phát huy tác dụng tốt. Về lâu dài, xã có thể huy động nhân dân xây thêm các bể chứa tại các thôn lân cận để dẫn nước từ đây về cho bà con sử dụng vì nguồn nước đầu nguồn khá phong phú. Cùng với đó, vấn đề duy tu, bảo dưỡng cũng cần được UBND xã quan tâm để công trình sử dụng được lâu dài nhất.
Từ thực tế kiểm toán Chương trình 135 tại nhiều địa phương trên cả nước, Kiểm toán viên Nguyễn Trung Thiện chia sẻ: Không chỉ với Hà Giang, các công trình, dự án được đầu tư từ nguồn viện trợ của Chính phủ Ailen tại các huyện nghèo đều được nhân dân trong vùng đồng tình, ủng hộ, góp phần giải quyết những khó khăn về cơ sở hạ tầng đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Hầu hết các công trình đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề vật chất để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.
Nghề “giữ tiền cho dân”
Chia tay Nậm Ban mà lòng ai cũng cảm thấy ấm áp. Đứng giữa núi đèo cao nguyên mây núi trập trùng, tôi càng thấm thía tâm sự của Trưởng Đoàn kiểm toán Lại Xuân Nghị: Gian nan nhất khi kiểm toán Chương trình 135 là địa bàn triển khai các dự án đều ở các xã đặc biệt khó khăn, xa xôi cách trở, thời tiết diễn biến thất thường. Có những chuyến thực tế công trình nước sạch, Đoàn phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ mới vào tới nơi. Nhưng ý thức được nhiệm vụ của mình nên anh chị em trong Đoàn luôn xác định tinh thần làm việc khẩn trương, hoàn thành công việc với chất lượng tốt nhất.
Đánh giá về công tác kiểm toán của KTNN, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang Hoàng Đức Tiến cho biết: Tất cả các dự án sử dụng nguồn vốn do Chính phủ Ailen tài trợ, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đều được KTNN thực hiện kiểm toán rất kịp thời. Công tác kiểm toán có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương, giúp địa phương thấy được trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra những thiếu sót trong quá trình triển khai dự án nhằm kịp thời chấn chỉnh để thực hiện các dự án sau tốt hơn.
Từ góc độ nhà tài trợ chương trình, chị Trương Thị Minh mong rằng, KTNN khi thực hiện kiểm toán sẽ đưa ra được những kiến nghị về loại hình thiết kế công trình có phù hợp hay không? Các kiến nghị về khía cạnh quản lý dự án, phát hiện những cách làm mới giúp việc sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả cao nhất… Qua nhiều năm phối hợp công tác, Đại sứ quán Ailen thể hiện sự tin tưởng cao đối với công tác kiểm toán của KTNN.
Để đạt được sự tin tưởng đó, các Kiểm toán viên nhà nước đã phải vượt qua nhiều thách thức, vất vả. Trong phút nghỉ chân trên đỉnh Lao Và Chải, khi tâm sự về nghề kiểm toán, chị Cầm Thị Biên - thành viên Đoàn kiểm toán - trải lòng: “Làm Kiểm toán viên thì thời gian dành cho gia đình luôn rất ít. Nhưng ngược lại, Kiểm toán viên được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, biết được văn hóa nhiều vùng, miền khác nhau. Hơn thế, nghề kiểm toán là nghề rất vinh quang. Mình hiểu rằng, làm tốt công việc là mình đang góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia. Cho nên, người ta vẫn ví von Kiểm toán viên là “người giữ tiền cho dân” là vì thế”.
Nghe những lời tâm sự của các Kiểm toán viên, ngẫm nghĩ về những lời nói của anh Tiến, chị Minh tôi chợt có suy nghĩ rằng, công việc của các Kiểm toán viên nhà nước hôm nay dù không trực tiếp nhưng cũng đã ít nhiều góp phần làm đẹp thêm mỗi mùa hoa tam giác mạch - loài hoa luôn làm say lòng du khách mỗi khi đến với Cao nguyên đá.
THANH TÙNG
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15/11/2017