Nỗ lực thoát nghèo
Kiểm toán ngân sách địa phương và kiểm toán chuyên đề giảm nghèo bền vững tại tỉnh Phú Thọ là cuộc kiểm toán nằm trong đợt kiểm toán cuối năm của KTNN khu vực VII.
Khi sương sớm còn giăng trên đỉnh núi cao, anh Nguyễn Anh Tuấn - Tổ trưởng Tổ kiểm toán Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 tại huyện Tân Sơn - đã thúc giục mọi người lên đường đến xã Xuân Đài, một trong những xã của huyện Tân Sơn được đầu tư, thụ hưởng nhiều chính sách thuộc Chương trình giảm nghèo. Chiếc xe chở chúng tôi men theo con đường cheo leo chìm vào khói mây rồi hun hút giữa đại ngàn. Sau hơn 2 giờ đồng hồ ngược dốc, chúng tôi đến trung tâm xã Xuân Đài. Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Phùng Trọng Luận cho biết: Xuân Đài là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, với 14 khu hành chính. Địa bàn xã khá rộng, dân cư (chủ yếu là người Mường) phân bố không đồng đều, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình giảm nghèo của Chính phủ đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể, bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc, cuộc sống của người dân no ấm từng ngày.
Kiểm toán viên phỏng vấn hộ dân thụ hưởng chính sách từ Chương trình giảm nghèo của Chính phủ
Để chứng minh cho sự đổi thay ở Xuân Đài, Chủ tịch xã Phùng Trọng Luận đã trực tiếp dẫn Tổ kiểm toán đi khảo sát, phỏng vấn về kết quả thực hiện các mô hình thuộc Chương trình giảm nghèo. Trên con đường heo hút dẫn vào xóm Mu, chúng tôi đến với các hộ gia đình. Sau những cái bắt tay thật chặt, những câu chào hỏi, các Kiểm toán viên (KTV) chia nhau trò chuyện rồi hướng dẫn bà con điền phiếu phỏng vấn. Do bất đồng ngôn ngữ nên các cuộc trao đổi đan xen cả bằng lời lẫn ra hiệu. Công việc này đòi hỏi các KTV phải nhiệt tình, sáng tạo mới có thể đánh giá chân thực về hiệu quả triển khai các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Trò chuyện với chúng tôi về hướng thoát nghèo, bà Lê Thị Thắm (một trong những hộ dân được thụ hưởng mô hình nuôi trâu sinh sản - thuộc Chương trình giảm nghèo) phấn khởi cho biết: Trước đây kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, cả nhà gần 10 người nhưng chỉ trông vào vài sào ruộng, bữa đói triền miên, bữa no hiếm có. Năm 2012, gia đình đã được Nhà nước hỗ trợ cho một con trâu sinh sản. Những năm sau đó, năm nào gia đình cũng có nghé để bán. Bà Thắm cho biết thêm, hằng năm gia đình đều được cán bộ thú y hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm phòng bệnh, phòng, chống rét cho trâu. Nuôi trâu không tốn nhiều công sức nhưng cho thu nhập khá ổn định…
Thành công trong thực hiện chính sách giảm nghèo ở xã Xuân Đài đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện. Từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 62%, đến nay, tỷ lệ này ở Tân Sơn giảm còn 24,43%; thu nhập bình quân đạt 13 triệu đồng/người/năm; lao động có việc làm thường xuyên đạt 93,3%...
Kinh nghiệm từ những cuộc kiểm toán
Từ xã Xuân Đài trở về trung tâm huyện Tân Sơn, trời đã về chiều. Trên con đường cũ, chiếc xe vẫn gầm rú, ì ạch để vượt qua những con dốc quanh co. Dẫu vậy, tinh thần mọi người phấn chấn hơn hẳn sau một ngày làm việc mệt nhọc nhưng hiệu quả. Xen trong những câu chuyện, tiếng cười râm ran, chúng tôi còn được nghe các KTV chia sẻ nhiều kỷ niệm.
Với anh Nguyễn Anh Tuấn, các cuộc phỏng vấn người dân được thụ hưởng chính sách khi thực hiện kiểm toán chuyên đề luôn là những kỷ niệm đẹp. Trong phần lớn các cuộc phỏng vấn đồng bào dân tộc thiểu số, anh và các thành viên trong tổ phải hướng dẫn, giải thích tỉ mỉ để người dân hiểu được câu hỏi. “Cần thiết phải phỏng vấn người dân thụ hưởng chính sách khi thực hiện những cuộc kiểm toán chuyên đề liên quan, song các câu hỏi phỏng vấn cần cụ thể, đơn giản hơn nữa, thời gian thực hiện phỏng vấn cần linh hoạt hơn” - anh Tuấn chia sẻ. Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nói chung và Chương trình giảm nghèo nói riêng, anh Tuấn cho biết: Khâu khảo sát, lập kế hoạch rất quan trọng vì nó quyết định đến kết quả của cuộc kiểm toán. Do đó khi thực hiện cần phải lập đề cương khảo sát thật cụ thể, chi tiết và bao quát đủ nội dung của chương trình. Yêu cầu quan trọng là phải khảo sát nắm bắt đầy đủ thông tin về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình của các địa phương; trao đổi, thống nhất với các cơ quan tổng hợp về nội dung cung cấp thông tin, số liệu về kinh phí, kết quả thực hiện; thống nhất được đơn vị đầu mối cho việc kiểm toán tổng hợp chương trình.
Còn theo KTV Đỗ Quang Hiệp, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện cho các huyện nghèo, các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Cùng với cơ chế, chính sách riêng, Chương trình MTQG còn lồng ghép nhiều các chương trình, dự án có cùng mục tiêu trên địa bàn. Vì vậy, trong quá trình kiểm toán, KTV phải tổng hợp đánh giá được đầy đủ việc lồng ghép nguồn lực cũng như kết quả thực hiện các mục tiêu của các chương trình, dự án khác. Ngoài ra, trong tổ chức thực hiện kiểm toán, mỗi KTV ngoài những kiến thức về nghiệp vụ cần phải trau dồi, bổ sung cho mình những kiến thức về xã hội, nhất là những kiến thức liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất của từng vùng miền để từ đó có cái nhìn khách quan nhất về tính phù hợp của chính sách đối với từng lĩnh vực và vùng miền.
Khi những câu chuyện về nghề vẫn còn dang dở thì mặt trời đã bắt đầu ẩn mình trên đỉnh núi phía Tây, sương chiều trong thung lũng từ từ dâng lên trong tiếng chim rừng gọi nhau ngân dài vách núi, dân bản từ dưới ruộng thấp, trên nương cao cũng đang tất tả trở về nhà. Vì đặc thù công việc, chúng tôi chia tay Tổ kiểm toán, tạm biệt Tân Sơn với những địa danh như: Thạch Kiệt, Đồng Sơn, Kim Thượng… nghe đã thấy rất cao, rất xa và vô cùng gian khó. Vậy mà ở đó đang chuyển mình, khởi sắc từng ngày nhờ Chương trình giảm nghèo của Chính phủ.
Bài và ảnh: LÊ HÒA