Diễn đàn công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam

(BKTO) - Mới đây, Diễn đàn công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện thu hút hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu ngành nội thất Việt Nam, các hiệp hội cùng đại diện các cơ quan, ban ngành, các chuyên gia kinh tế cùng tham dự.

ong-nguyen-quoc-khanh-chu-tich-hawa-cho-rang-ben-canh-ti-le-tang-truong-an-tuong-dn-nganh-go-cung-dang-khang-dinh-tinh-chu-dong-trong-kinh-doanh-hoi-nhap.jpg
Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) Nguyễn Quốc Khanh chia sẻ tại Diễn đàn công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Ảnh: Nguồn tphcm.chinhphu.vn

Tại Diễn đàn công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) Nguyễn Quốc Khanh chia sẻ, khi thị trường suy giảm, thời gian qua, doanh nghiệp (DN) ngành gỗ không hề bị động mà cố gắng thích ứng. Một mặt, DN tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới.

Theo các chuyên gia, trong tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với khá nhiều thách thức như nhiều thị trường truyền thống suy giảm đơn hàng, việc ngành chế biến gỗ nhìn lại các giá trị nội hàm và tìm hướng phát triển mới cho ngành là việc làm mang tính cấp thiết.

Chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, xét về nội lực, thực tế giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ chỉ là tạm thời. Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới. So với mức phát triển GDP trung bình của toàn cầu, ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5%, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm là một con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) cũng cho rằng, bên cạnh tỉ lệ tăng trưởng ấn tượng, DN ngành gỗ đang khẳng định tính chủ động trong kinh doanh hội nhập.

Trong những giải pháp ứng phó với tình hình hiện tại, ngành gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh. Hiện nay, các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường Trung Đông như Saudi Arabia, UAE, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.

cac-chuyen-gia-cho-rang-con-nhieu-du-dia-phat-trien-o-cac-thi-truong-tiem-nang-moi-cho-cac-dn-nganh-go-viet.-anh(1).jpg
Các chuyên gia cho rằng, còn nhiều dư địa phát triển ở các thị trường tiềm năng mới cho các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam. Ảnh: Nguồn tphcm.chinhphu.vn

Với nội lực của ngành, mục tiêu xuất khẩu của năm 2023 hoàn toàn có thể đạt được bởi đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại thời gian gần đây. Điều cần nhất lúc này là DN phải kiện toàn nội lực để có thể sẵn sàng đón đơn hàng khi thị trường phục hồi.

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) đề xuất sớm hình thành trung tâm logistic – xúc tiến thương mại nội thất Việt Nam ở thị trường trọng điểm, đầu tiên là ở Mỹ, nhằm tạo điều kiện cho DN xuất khẩu có thể kết hợp để tiếp cận với khách hàng ở các nước sở tại với chi phí thấp.

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) khẳng định, một DN đầu tư sẽ khó hiệu quả vì chi phí và rủi ro quá cao nhưng nếu thiết lập ngôi nhà chung cho các DN xuất khẩu tại nước ngoài sẽ tháo gỡ phần nào các khó khăn vướng mắc như pháp lý, kho hàng, quản lý hàng hóa, nhân sự, chi phí vận hành cũng giảm đi rất nhiều, nâng cao tính chuyên nghiệp.

Theo các chuyên gia, cùng với việc chuẩn bị "nội lực", tăng cường xúc tiến thương mại để sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường hồi phục, các DN ngành gỗ và nội thất Việt Nam cần phải đáp ứng được yêu cầu từ những "luật chơi" mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết là tính bền vững trong sản phẩm nội thất. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu muốn tham gia thị trường. Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.

Không chỉ thực hiện những quy định bắt buộc hiện hành, DN Việt Nam sẽ đối diện với những đòi hỏi mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10/2023. Hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, với hiện trạng ngành gỗ Việt Nam có trữ lượng rừng trồng đáng kể, nếu thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon chính là cơ hội để DN nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế./.

Cùng chuyên mục
Diễn đàn công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam