Tránh giải ngân đầu tư công bằng mọi giá

(BKTO) - Theo đại biểu Quốc hội, vấn đề quan trọng trong đầu tư công là đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình, dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh áp lực giải ngân bằng mọi giá.

toan-canh211.jpg
Toàn cảnh phiên họp Ảnh: VPQH

Ngăn chặn trục lợi trong đầu tư công

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong công tác đầu tư công. Việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm được quan tâm chỉ đạo nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị tiếp tục được hoàn thiện. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

 Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9/2023 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,68% (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn gần 110 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra không ít bất cập, hạn chế trong công tác đầu tư công, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 02/11, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) đánh giá, trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách… còn nhiều vướng mắc. Trong nhiều trường hợp, những vướng mắc này là điểm nghẽn làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án, công trình.

huu-tri.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư còn phân tán; việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa thực sự mang lại hiệu quả; kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm…

Đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá, xác định rõ đâu là nguyên nhân đích thực dẫn đến các tồn tại, hạn chế kéo dài để có các giải pháp hiệu quả hơn nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công.

Nhấn mạnh yêu cầu hiện nay trong đầu tư công là thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, song đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu; từng công trình, dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cũng chỉ ra hạn chế như: lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tiễn, phải điều chỉnh nhiều lần, nhiều nguồn vốn chưa được phân bổ làm ảnh hưởng đến tiến độ một số dự án quan trọng. Do đó, các Bộ ngành, địa phương cần quan tâm hơn đến những nội dung này...

Trong khi đó, đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công là do một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; trình tự, thủ tục triển khai thực hiện một số dự án được quy định rất nhiều trong văn bản pháp luật liên quan. Trong đó, nhiều thủ tục mới khiến các Bộ, ngành, địa phương khó nắm vững và thực hiện thống nhất các quy định của luật. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương lúng túng, mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ dự án.

Khắc phục tình trạng vốn “chờ” dự án

Qua giám sát thực tế, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn), trong đầu tư công, công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch đầu tư hàng năm còn chậm và thiếu chủ động, công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn tới tình trạng vốn “chờ” dự án. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công...

021120231017-trieu-quang-huy.jpg
Đại biểu Quốc hội Triệu Quang Huy phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu dẫn chứng, vốn cho việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm chưa được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư công.

Ngày 22/9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 7891/BKHĐT-TH về việc thực hiện phân bổ, giao kế hoạch vốn, giải ngân vốn đầu tư công cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên, văn bản này cũng chưa quy định rõ các Bộ, ngành, địa phương được sử dụng nguồn vốn nào để chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trước khi được cơ quan có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc. Do đó, cùng với việc sửa đổi hệ thống pháp luật về đất đai, Chính phủ cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, thí điểm tách công tác bồi thường, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện ở một số địa phương.

Để thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành tăng cường hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, nên cho phép kéo dài nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư cho xây dựng các tuyến cao tốc...

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, việc đầu tư cho các đường cao tốc như: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và một số dự án khác có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, nếu các khoản chi không hết trong năm thì địa phương phải trả về ngân sách hoặc Nhà nước phải thu hồi.

Tuy nhiên, nếu thu hồi lại thì việc thi công các tuyến đường này sẽ gặp khó khăn về vốn, chúng ta phải làm lại các thủ tục để lấy một nguồn vốn khác phục vụ cho việc đầu tư, trong khi việc xây dựng các cao tốc cũng không thể nào ngưng được.

“Kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài nguồn tăng thu, tiết kiệm chi khoảng 13.000 tỷ cho các đường cao tốc này để tiếp tục thực hiện” - đại biểu nói.

Đối với nguồn vốn đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, các dự án từ nguồn vốn đầu tư viện trợ phát triển chính thức (ODA) có tiến độ giải ngân chậm nhất do còn vướng nhiều thủ tục với bên vay. Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu chuyển một số dự án lớn từ vay ODA sang phát hành trái phiếu trong nước, tạo điều kiện tăng lưu thông dòng tiền.

Cùng chuyên mục
Tránh giải ngân đầu tư công bằng mọi giá