Đoàn công tác của Kiểm toán nhà nước Việt Nam chụp ảnh với Lãnh đạo CAAF. Ảnh: ĐỨC LÂM |
Chuyến thăm và làm việc với nội dung định hướng hợp tác và thể hiện cam kết triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Bản ghi nhớ từ nay đến năm 2025 trong bối cảnh “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, Đoàn công tác đã làm việc với CAAF từ ngày 16-19/9. Chương trình quốc tế của CAAF nhằm hỗ trợ các cơ quan kiểm toán tối cao và các ủy ban giám sát của Quốc hội nâng cao năng lực kiểm toán hoạt động (KTHĐ) và tăng cường tính hiệu lực, hỗ trợ trách nhiệm giải trình và chức năng quản trị tại các quốc gia đang phát triển.
CAAF đã thực hiện chương trình quốc tế từ năm 1980 và đã hỗ trợ cho hơn 50 cơ quan kiểm toán tối cao ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Chương trình này do Chính phủ Canada cấp vốn tài trợ.
Bà Caroline Jorgensen - Phó Chủ tịch CAAF - vui mừng chào đón Đoàn và cùng các chuyên gia của CAAF trình bày rà soát các thỏa thuận trong Biên bản ghi nhớ và bổ sung một số vấn đề về lồng ghép bình đẳng giới; phân tích nguyên nhân, gốc rễ sự tham gia của các đơn vị được kiểm toán; thu thập và phân tích bằng chứng kiểm toán; công tác giám sát của Quốc hội; chương trình học bổng 9 tháng tại Canada...
Các chuyên gia KTNN Việt Nam đã trình bày thực trạng phát triển KTHĐ tại KTNN Việt Nam, tác động của quan hệ hợp tác với CAAF và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 của KTNN về phát triển KTHĐ; thảo luận về những mục tiêu có thể đạt được thông qua quan hệ hợp tác giữa KTNN Việt Nam và CAAF đến tháng 3/2025 so với Kế hoạch hành động của KTNN và Biên bản ghi nhớ.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa đánh giá cao sự hỗ trợ của CCAF dành cho KTNN Việt Nam, đặc biệt trong việc tăng cường năng lực KTHĐ.
CAAF và KTNN Việt Nam bắt đầu mối quan hệ hợp tác vào năm 2008. Đến nay, CAAF đã hỗ trợ KTNN Việt Nam phát triển KTHĐ qua những hoạt động nổi bật như: Xây dựng các quy định, hướng dẫn về KTHĐ (KTNN Việt Nam đã ban hành 2 Chuẩn mực KTNN về KTHĐ: Chuẩn mực KTNN số 300 - các nguyên tắc cơ bản của KTHĐ và Chuẩn mực KTNN số 3000 - hướng dẫn KTHĐ); tăng cường năng lực về KTHĐ...
Định hướng giai đoạn mới theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 của KTNN về phát triển KTHĐ là:
Tập trung phát triển chất lượng hơn là mở rộng về quy mô các cuộc kiểm toán: Thay đổi cách tiếp cận từ việc thực hiện lồng ghép KTHĐ trong hầu hết các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước sang triển khai các cuộc KTHĐ độc lập, vừa tạo điều kiện để tổ chức được bộ phận đảm nhiệm KTHĐ gọn nhẹ, linh hoạt, phù hợp thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, vừa tạo tiền đề để phát triển KTHĐ bền vững.
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Tập trung đào tạo chuyên sâu về KTHĐ, kiểm toán môi trường và kiểm toán công nghệ thông tin trong và ngoài nước để xây dựng được đội ngũ nòng cốt làm đầu mối nghiên cứu, thực hiện, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật trong toàn Ngành.
Đặc biệt, tập trung đào tạo nhân lực với những nội dung KTHĐ mới để triển khai kiểm toán trong tương lai như: Kiểm toán bình đẳng giới, kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững...
Kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn: Vừa chọn lọc, nghiên cứu, học hỏi, tiếp thu các kinh nghiệm của Canada và các nước phát triển, vừa đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai các lĩnh vực kiểm toán này của KTNN để xây dựng các chính sách, chế độ bài bản, chuyên nghiệp và phù hợp với thực tiễn của KTNN./.
TRẦN ĐỨC LÂM - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Kiểm toán nhà nước