Hoàn thiện Dự thảo Chuẩn mực kiểm toán về xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu

(BKTO) - Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) lấy ý kiến về Dự thảo Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam (CMKT) số 315; chia sẻ kiến thức về thanh, kiểm tra thuế và hải quan; thúc đẩy hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo... là những nội dung nổi bật trong tuần qua liên quan đến hoạt động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.



                
   

VACPA tổ chức Hội thảo lấy ý về Dự thảo CMKT số 315 (soạn thảo năm 2022). Ảnh: VACPA

   

Hoàn thiện chuẩn mực về xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu

Để hoàn thiện Dự thảo CMKT số 315 - Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu (soạn thảo năm 2022), vừa qua, VACPA đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, các DN kiểm toán, kiểm toán viên và các bên liên quan dưới hình thức cầu truyền hình kết hợp trực tuyến qua ứng dụng Zoom.

Tại Hội thảo, bà Hà Thị Ngọc Hà - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VACPA - đã tóm tắt các thay đổi lớn, nổi bật của CMKT số 315. Tiếp đó, bà Nguyễn Thái Thanh - Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam, Trưởng nhóm chủ trì soạn thảo CMKT số 315 đã chủ trì phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề đã được các bên cho ý kiến theo “Phụ lục các vấn đề xin ý kiến” tại Công văn số 229-2022/VACPA ngày 01/7/2022.

Phần lớn các nội dung đều được Ban Chuyên môn VACPA, lãnh đạo các DN kiểm toán, kiểm toán viên và các thầy cô giáo đang giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học… thảo luận chuyên sâu, đạt được sự đồng thuận cao. Đây là căn cứ để VACPA tiếp tục hoàn thiện Dự thảo CMKT Việt Nam số 315, các chuẩn mực khác do ảnh hưởng của CMKT số 315 (đã được VACPA soạn thảo năm 2020, 2021) và tổng hợp các vấn đề trình Bộ Tài chính trong thời gian tới.
                
   

Chuyên gia của KPMG chia sẻ kiến thức về thanh, kiểm tra thuế và hải quan. Ảnh: KPMG

   

Cập nhật kiến thức về thanh, kiểm tra thuế và hải quan

Vừa qua, KPMG Việt Nam đã phối hợp cùng Khu công nghiệp DEEEPC - Hải Phòng tổ chức sự kiện chia sẻ kiến thức về thanh tra, kiểm tra thuế và hải quan nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) có chuẩn bị tốt nhất khi làm việc cùng cơ quan thuế.

Tại sự kiện, các chuyên gia của KPMG Việt Nam đã cập nhật những thông tin mới nhất về các quy định thuế và hải quan năm 2022, cũng như chia sẻ các bài học từ kinh nghiệm thực tế khi làm việc với cơ quan thuế, hải quan.
                
   

ICAEW và Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực giảng viên theo chuẩn quốc tế. Ảnh: ICAEW

   

ICAEW và IUH gia hạn biên bản ghi nhớ hợp tác

Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác lần đầu tiên vào năm 2019 và sẽ nâng tầm hợp tác trong 5 năm tới theo hướng phát triển bền vững. Theo đó, hai bên cùng thực hiện mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và năng lực giảng viên theo chuẩn quốc tế, từ đó góp phần tăng sức cạnh tranh của nguồn nhân lực tài chính - kế toán Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Kể từ khi chính thức hợp tác, ICAEW và Khoa Kế toán Kiểm toán, IUH đã phối hợp xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2020, ICAEW đã trao tặng cho IUH bản quyền sử dụng bộ phim đào tạo nổi tiếng False Assurance, nhằm phong phú hóa nguồn liệu và phương pháp giảng dạy, đưa cách dạy và học chủ động gắn với xử lý tình huống thực tế thông qua phim ảnh mới lạ đến với sinh viên.

Bên cạnh đó, hàng nghìn sinh viên của IUH đã được sử dụng giáo trình gốc môn học Kế toán quản trị của ICAEW để học tập, khẳng định cam kết chất lượng đào tạo của nhà trường cũng như tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế.

Đổi mới và nâng cao tính chuyên nghiệp của VAA

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) khóa VI đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả, những hạn chế trong hoạt động 8 tháng năm 2022, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp cần triển khai trong 4 tháng cuối năm.

Hội nghị đã nghe Báo cáo hoạt động 8 tháng và phương hướng nhiệm vụ hoạt động 4 tháng cuối năm 2022; các báo cáo bổ sung về: 7 công việc và 8 giải pháp cần triển khai cho hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, hoạt động của Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc, hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán và Chi hội Kế toán hành nghề (VICA), hoạt động đối ngoại và hoạt động thông tin truyền thông.

Sau phiên thảo luận, Ban Chấp hành đã thống nhất các nội dung cần tập trung triển khai trong những tháng cuối năm, cụ thể: Tiếp tục triển khai tích cực Điều lệ Hiệp hội theo chương trình kế hoạch đã đề ra; kiện toàn nhân sự cho Ban Chấp hành; thực hiện các thủ tục cần thiết để các chi hội, phân hội chuyển thành hội thành viên; hỗ trợ và tăng cường hoạt động của một số hội thành viên.

Bên cạnh đó, Hiệp hội triển khai mạnh mẽ các hoạt động nghề nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn khoa học và phản biện xã hội; tham gia triển khai Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS), Chuẩn mực kế toán công; phổ biến tuyên truyền Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước; phối hợp cùng Bộ Tài chính, tổ chức Hội nghị quốc gia thường niên về kế toán, kiểm toán, các diễn đàn nghề nghiệp.

Tập trung mọi lực lượng, trí tuệ để tổ chức các hoạt động đào tạo và bồi dưỡng, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các quy chế đào tạo áp dụng thống nhất trong hệ thống Hiệp hội; phối hợp tổ chức các khóa đào tạo kế toán chuyên nghiệp, đào tạo IFRS, kế toán số, các khóa đào tạo nghiệp vụ kế toán kiểm toán; tổ chức hoạt động bồi dưỡng và đào tạo trong toàn hệ thống Hiệp hội theo chương trình đào tạo thống nhất.

Hiệp hội cũng sẽ triển khai các nội dung trong biên bản hợp tác với Kiểm toán nhà nước, ICAEW; chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại, thực hiện trách nhiệm thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), Liên đoàn Kế toán Đông Nam Á (AFA); tham dự đầy đủ các hoạt động của IFAC (Đại hội lần thứ 21), hoàn chỉnh các SMO, các báo cáo thống kê cho IFAC; đảm nhận vai trò lãnh đạo AFA nhiệm kỳ 2022-2023, 2024-2025.

Thời gian tới sẽ có một số thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức tác động trực tiếp đến chất lượng hoạt động của Hiệp hội. Vì vậy, các ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo Hiệp hội và hội thành viên cần bám sát chủ đề của nhiệm kỳ “Đổi mới - Chuyên nghiệp - Phát triển”, tiếp tục đổi mới trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, nâng cao tính chuyên nghiệp của hội nghề nghiệp; hoàn thành thắng lợi chương trình và kế hoạch công tác năm 2022, chuẩn bị tích cực cho năm 2023./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Hoàn thiện Dự thảo Chuẩn mực kiểm toán về xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu