Đoàn viên, thanh niên là lực lượng tiên phong trong cuộc cách mạng số

(BKTO) - Tương lai của lĩnh vực kiểm toán và cơ quan Kiểm toán nhà nước (KTNN) được định hình bởi những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong những năm tới, đoàn viên, thanh niên KTNN sẽ là lực lượng nòng cốt, đi trước đón đầu trong cuộc cách mạng này để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và tính minh bạch của hoạt động kiểm toán.

7.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh KTV phải có ý thức sử dụng, khai thác để làm giàu cơ sở dữ liệu kiểm toán. Ảnh: Nguyễn Ly

Sáng 18/8, Đoàn Thanh niên KTNN phối hợp với Trung tâm Tin học tổ chức Tọa đàm “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN và vai trò của đoàn viên, thanh niên”.

Tham dự Tọa đàm có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng; Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn khối các cơ quan trung ương Bùi Hoàng Tùng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong Ngành cùng 500 đoàn viên, thanh niên của KTNN.

32 ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán

Theo Bí thư Đoàn thanh niên KTNN Lê Mạnh Cường, Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ. Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN không thể đứng ngoài xu thế này, thậm chí, KTNN phải đi trước, đón đầu các xu thế công nghệ để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong đó, đoàn viên, thanh niên KTNN chính là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong cuộc cách mạng số.

4.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Ly

Thông tin tại Tọa đàm, Bí thư Chi đoàn Trung tâm Tin học Mạc Tuấn Anh cho biết: Hiện nay, KTNN đang triển khai 32 ứng dụng và cơ sở dữ liệu bao gồm các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; ứng dụng quản lý hoạt động chuyên ngành; các hệ thống kênh giao tiếp của KTNN và các hệ thống phục vụ tích hợp. Từ năm 2019, KTNN là một trong những cơ quan đầu tiên thực hiện thành công việc đưa tất cả ứng dụng trao đổi dữ liệu vào trục tích hợp.

Đặc biệt, 12 phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán được ưu tiên phát triển để hỗ trợ công tác kiểm toán từ khâu lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán đến khâu lập, phát hành báo cáo kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán. KTNN cũng đã thực hiện kết nối trục liên thông văn bản quốc gia với tất cả các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các địa phương.

Phát triển KTNN gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và CNTT trong mọi hoạt động của KTNN; đưa KTNN trở thành công cụ quan trọng trong hoạch định kinh tế vĩ mô và xây dựng chính sách phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam; ứng dụng CNTT, kỹ thuật số để công khai minh bạch hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định của pháp luật. 

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030

Từ thực tiễn hoạt động, đồng chí Phạm Hùng Anh - Chi đoàn KTNN chuyên ngành VII - đánh giá, các ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán hỗ trợ kiểm toán viên (KTV) kiểm soát được rủi ro, có cái nhìn khái quát và khả năng xác định trọng yếu phù hợp về đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, giảm thiểu các thủ tục hành chính, giúp lãnh đạo KTNN kiểm soát hiệu quả chất lượng và kết quả kiểm toán.

2(1).jpg
Bí thư Đoàn thanh niên KTNN Lê Mạnh Cường nhận định: Đoàn viên, thanh niên KTNN phải đi trước, đón đầu các xu thế công nghệ để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Ảnh: Nguyễn Ly

Việc ứng dụng công nghệ giúp KTNN thực hiện thành công các cuộc kiểm toán từ xa, sử dụng công nghệ viễn thám, công nghệ siêu âm trong kiểm toán tài nguyên, môi trường; lưu trữ hồ sơ kiểm toán dạng số để thuận tiện cho việc truy xuất, tìm kiếm; tạo ra hệ thống tìm kiếm nhanh, thông minh các văn bản quy định của đơn vị dưới dạng sổ tay kiểm toán điện tử.

       Dữ liệu từ các ứng dụng của KTNN ghi nhận: 268.802 văn bản đến; 120.721 văn bản đi; 785,858 nhật ký kiểm toán; kết quả của 1.643 cuộc kiểm toán (từ năm 2015); 1.064 báo cáo kiểm toán; 2.355 hồ sơ cán bộ; 197 lớp đào tạo nội bộ; dữ liệu kết quả thi đua thường xuyên từ năm 2016-2021; 1.080 câu hỏi và đáp án, 533 bài thi của thí sinh thi năm 2023…

Các hệ thống phần mềm của KTNN đã cho phép KTV truy cập các văn bản quy phạm pháp luật điện tử; ghi chép nhật ký kiểm toán điện tử; lưu trữ bằng chứng kiểm toán điện tử để nâng cao tính minh bạch, tăng cường hiệu quả của công tác kiểm soát trong hoạt động kiểm toán; quản lý tiến độ kiểm toán, tổng hợp kết quả, theo dõi việc thực hiện kiến nghị của KTNN; triển khai hệ thống họp trực tuyến cho các trường hợp kiểm toán từ xa. Đây là các công cụ rất thiết thực, hỗ trợ tối đa cho hoạt động kiểm toán của KTNN.

Tăng cường đào tạo, làm chủ kỹ năng công nghệ

Tại Tọa đàm, các đoàn viên, thanh niên của KTNN cũng nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, nguồn lực ứng dụng CNTT chất lượng cao của KTNN vẫn còn hạn chế do CNTT là lĩnh vực mới, phát triển nhanh, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và nhân sự chất lượng cao.

Thêm vào đó, việc tích hợp, thu thập thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán còn nhiều khó khăn, vướng mắc do hành lang pháp lý, sự bất hợp tác của đối tượng được thu thập thông tin và hạ tầng cơ sở của KTNN. Do đó, việc triển khai kiểm toán trong bối cảnh ứng dụng CNTT còn gặp không ít khó khăn.

6.jpg
Các đại biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống dữ liệu của KTNN.
Ảnh: Nguyễn Ly

Ghi nhận những chia sẻ của đoàn viên, thanh niên KTNN, Giám đốc Trung tâm Tin học Phạm Thị Thu Hà cho biết: Việc hoàn thiện kho dữ liệu tập trung về đơn vị được kiểm toán vẫn còn nhiều khó khăn do hành lang pháp lý chưa đồng bộ. Mặc dù Luật KTNN đã quy định về việc KTNN có quyền truy cập dữ liệu điện tử quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương nhưng đến nay, KTNN mới trao đổi dữ liệu với 4 đơn vị là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội. KTNN đang nỗ lực để có thể thu thập dữ liệu của các đơn vị được kiểm toán một cách chủ động, từ đó có được các thông tin nhanh nhất và sớm nhất phục vụ công tác lập kế hoạch kiểm toán.

3.jpg
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của hơn 500 đoàn viên, thanh niên và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN. Ảnh: Nguyễn Ly

Một khó khăn nữa liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống dữ liệu của KTNN là việc xử lý dữ liệu trước khi đưa vào hệ thống tập trung. Đây cũng là thách thức đối với tất cả các cơ quan kiểm toán trên thế giới. Bên cạnh đó, kỹ năng sử dụng công nghệ và ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán của đội ngũ KTV cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Thời gian tới, Trung tâm Tin học sẽ phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo KTNN về việc tăng cường đào tạo, làm chủ kỹ năng công nghệ số cho KTV theo một lộ trình cụ thể (3-5 năm) trên phạm vi toàn Ngành - Giám đốc  Phạm Thị Thu Hà chia sẻ.

Thay đổi từ nhận thức đến hành động

Từ năm 2021 đến nay, các hoạt động ứng dụng CNTT được triển khai thực hiện bám sát Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của KTNN. Trong đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên KTNN chính là lực lượng nòng cốt, tiên phong đi đầu trong cuộc cách mạng số này.

1(1).jpg
Bí thư Chi đoàn Trung tâm Tin học Mạc Tuấn Anh giới thiệu về 32 ứng dụng, phần mềm đang được KTNN triển khai. Ảnh: Nguyễn Ly

Ghi nhận và đánh giá cao những sáng kiến, hoạt động của Đoàn Thanh niên KTNN trong thời gian vừa qua, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng biểu dương các đoàn viên, thanh niên, KTV trẻ xuất sắc đã có những sáng kiến, đóng góp nổi bật trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán, đóng vai trò tiên phong trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Ngành giao phó.

      Trong bối cảnh các đơn vị được kiểm toán ngày càng phát triển nhanh và mạnh về công nghệ, ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán là đòi hỏi cấp bách, là nhiệm vụ sống còn cho sự phát triển của KTNN.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng

Hiện nay, hạ tầng dữ liệu của KTNN được xây dựng đầy đủ, phù hợp, tạo nền tảng cho việc hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về đơn vị được kiểm toán, các phần mềm, công cụ phân tích thông tin, đánh giá rủi ro, xác định mức rủi ro, trọng yếu kiểm toán. Qua đó, hỗ trợ công tác lập kế hoạch cũng như giúp KTV thực hiện các kỹ thuật kiểm toán và theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán… hướng tới kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn.

Tuy nhiên, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là một hành trình dài và toàn diện, có công nghệ nhưng không thay đổi về nhận thức và hành động thì không có kết quả. Ngược lại, muốn thay đổi nhưng không có công nghệ, công cụ hỗ trợ thì cũng không thực hiện được. Bởi vậy, trước tiên, các đoàn viên, thanh niên, KTV phải thay đổi từ nhận thức, sau đó là sở hữu công nghệ.

“Để tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán, hạ tầng dữ liệu đầy đủ, phù hợp là điều kiện tiên quyết, là nền tảng cho thành công. Trong đó, dữ liệu là yếu tố đầu vào của sản xuất, dữ liệu phải được khai thác, xử lý thì mới sinh ra giá trị, từ đó có hạ tầng dữ liệu đầy đủ, phù hợp. KTV phải có ý thức sử dụng, khai thác để làm giàu cơ sở dữ liệu kiểm toán” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Đoàn viên, thanh niên là lực lượng tiên phong trong cuộc cách mạng số