Người tiêu dùng đang thận trọng hơn khi mua sắm
Ấn bản lần thứ 9 về Chỉ số tiêu dùng tương lai của EY đã chỉ ra những thay đổi sâu sắc trong hành vi, thái độ, cách làm việc và thói quen của người tiêu dùng so với trước đại dịch.
Kết quả khảo sát cho thấy, 52% người tiêu dùng nói rằng chi phí hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng khiến việc mua sắm trở nên khó khăn hơn. Mọi người đang giảm bớt việc mua sắm những thứ không thiết yếu, chẳng hạn như quần áo và đồ điện tử, thay vào đó là tập trung chi trả cho khí đốt và thực phẩm tươi sống.
Khi kế hoạch chi tiêu trở nên chặt chẽ hơn, người tiêu dùng đang có xu hướng tái sử dụng hoặc tìm kiếm các lựa chọn thay thế rẻ hơn và mua ít đồ không cần thiết. Danh mục chi tiêu bị cắt giảm nhiều nhất là đồ uống có cồn, làm đẹp - mỹ phẩm và quần áo, giày dép.
Nhiều người cũng đưa ra quyết tâm mua sắm ít hơn với các con số ấn tượng như: 34% nói rằng họ đang mua ít hàng hóa vật chất hơn vì họ không cần chúng; 30% lựa chọn mua nhiều sản phẩm secondhand (đã qua sử dụng) hơn và 47% sẽ chỉ mua những thứ cần thiết.
Cùng với hạn chế chi tiêu, 56% nói rằng họ ít ra ngoài hơn, trừ khi bắt buộc phải làm như vậy. Ngay cả khi đi ra ngoài, 63% người chọn dành nhiều thời gian hơn cho khu vực gần nhà (địa phương) thay vì đi xa. 74% không gặp bạn bè và gia đình nhiều như trước đại dịch và mọi người tiếp tục cảm thấy không thoải mái khi đi du lịch xa.
Khi sắp xếp lại mong muốn và nhu cầu của mình, người tiêu dùng đang tìm kiếm sự linh hoạt hơn trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, việc lựa chọn một cuộc sống đơn giản và cân bằng hơn có thể dẫn đến những lựa chọn bền vững hơn.
Các chỉ số của EY cho thấy, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tác động của họ đối với hành tinh: 56% sẽ chú ý nhiều hơn đến tác động môi trường của những gì họ mua, 52% sẽ chú ý nhiều hơn đến tác động xã hội của những gì họ mua.
Làm việc tại nhà làm đảo lộn tất cả các xu hướng
Nghiên cứu của EY chỉ ra rằng, thế hệ Boomer (58 đến 76 tuổi) đã tạo ra một thế giới công việc mà những người tiêu dùng trẻ tuổi không muốn kế thừa. Những nhân viên lớn tuổi đang rời bỏ công việc nhanh hơn bao giờ hết, nhưng số người sẽ tiếp quản những giờ làm việc căng thẳng và nhiều trách nhiệm nặng nề đó lại không tương xứng.
Chỉ 20% người tiêu dùng thế hệ X (42 đến 57 tuổi) quan tâm đến việc thăng tiến sự nghiệp trong 2-3 năm tới, trong khi có đến 1/4 thế hệ Z (18 đến 25 tuổi) muốn bắt đầu kinh doanh riêng. Những người trẻ tuổi đang quay lưng lại với cách tổ chức truyền thống và những người bắt đầu tham gia vào lực lượng lao động trong hai năm qua không có kinh nghiệm về công việc giống như các bậc tiền bối. Kết quả là, các nhân viên trẻ cảm thấy được trao quyền nhiều hơn và làm việc linh hoạt hơn.
Các chỉ số của EY cho thấy, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ tuổi đang sử dụng làm việc tại nhà như một cơ hội để kiếm nhiều tiền hơn. 32% người tiêu dùng thuộc thế hệ Z nói rằng họ đang làm thêm giờ và 34% đã tăng thu nhập bằng cách làm nhiều công việc. Họ tin rằng làm việc tại nhà có thể mang lại lợi ích cho cả chủ DN và người lao động.
Quyền lực không chỉ chuyển từ người sử dụng lao động sang người lao động, từ thế hệ già sang thế hệ trẻ mà nó còn thay đổi trong mối quan hệ giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Khi mọi người dành nhiều thời gian hơn ở nhà, họ đang trở nên khó tiếp cận hơn bao giờ hết. Vì vậy, các thương hiệu sẽ cần phải làm việc chăm chỉ hơn để đến đúng nơi, đúng lúc với thông điệp phù hợp.
Người tiêu dùng ngày càng sáng suốt hơn, đồng nghĩa với việc thu hút và duy trì sự chú ý của họ trở nên khó khăn hơn, nhất là khi 44% người tiêu dùng có kế hoạch hợp nhất các chuyến đi mua sắm và mua sắm ít thường xuyên hơn; 43% sẽ mua sắm nhiều hơn tại các của hàng nhỏ, DN địa phương; 42% sẽ chỉ mua hàng từ các thương hiệu phù hợp với giá trị của họ và 36% nói rằng họ sẽ chỉ ghé thăm các cửa hàng cung cấp trải nghiệm tốt nhất.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng, chú trọng trải nghiệm khách hàng
Làm việc từ xa đã mang lại cho mọi người nhiều lựa chọn hơn về cách sử dụng thời gian và khiến họ cách xa nơi làm việc, cả về mặt địa lý và tình cảm. Lúc đầu, điều này có vẻ khó khăn, nhưng phần lớn đã dần thích nghi hoặc ít nhất thấy nó tốt hơn nhiều so với tưởng tượng ban đầu. Đối với các nhà lãnh đạo DN, sự chuyển dịch văn hóa này có ý nghĩa sâu sắc.
Các DN sẽ phải xác định lại, đầu tư vào các điểm tiếp xúc vật lý và ứng dụng kỹ thuật số để chúng có mặt tại thời điểm cần thiết với người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi DN phải luôn đảm bảo rằng mọi kênh tiềm năng để tương tác hoặc hiển thị với người tiêu dùng đều được khám phá và có thể dễ dàng tích hợp vào trải nghiệm.
Bên cạnh đó, DN cũng cần xem xét lại bối cảnh mà họ cố gắng thu hút người tiêu dùng. Khi thói quen của mọi người trở nên rời rạc và dễ thay đổi, các thương hiệu phải có khả năng kỹ thuật số để hiểu được nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng dựa trên các chỉ số về ngữ cảnh và nhanh chóng đáp ứng với việc cung cấp phù hợp.
Trong một thế giới mà mọi người đang tiêu dùng ít hơn, tập trung nhiều hơn vào khả năng chi trả, việc loại bỏ những điểm khó khăn của người tiêu dùng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ kết. Nếu như trước đây, kỳ vọng của người tiêu dùng về việc mua hàng nhanh chóng và dễ dàng là rất cao thì giờ đây, kỳ vọng của họ về trải nghiệm thương hiệu không tiếp xúc lại cao hơn theo cấp số nhân. Đồng thời, hành động mua hàng thực tế cần phải đơn giản, nhanh chóng và dễ dàng.
Ngoài ra, khi người tiêu dùng trở nên tập trung hơn vào các ưu tiên tổng thể, họ sẽ tìm kiếm các giải pháp linh hoạt phù hợp với nhiều nhu cầu hơn là các sản phẩm riêng lẻ phục vụ một nhu cầu cụ thể. Điều này đòi hỏi các thương hiệu có thể làm việc với các thương hiệu khác cũng như các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác để cùng nhau tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách tối ưu./.
THÙY LÊ