Doanh nghiệp cần cơ chế thuận lợi hơn trong tiếp cận tín dụng

(BKTO) - Tín dụng đã tăng trưởng dương trở lại nhưng chưa được như kỳ vọng. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp (DN).

tin-dung.jpg
Thực hiện các giải pháp thúc đẩy tín dụng tiếp tục là trọng tâm của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Ảnh: ST

Thiếu tài sản bảo đảm, vướng mắc về thủ tục pháp lý

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 3/2024, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỉ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023.

Tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, đến cuối tháng 02/2024, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,35% dư nợ toàn nền kinh tế; tín dụng cho DN nhỏ và vừa chiếm 17,94%; tín dụng lĩnh vực xuất khẩu chiếm 2,25%; tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,75%...

Tính chung cả quý I/22024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt gần 1% so với cuối năm 2023. Tại nhiều ngân hàng lớn, dư nợ tín dụng cũng chỉ tăng từ 3 - 6%.

Theo ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hầu hết DN thiếu tài sản bảo đảm, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém. Điều này dẫn đến việc DN khó tiếp cận tín dụng.

Khảo sát của Hiệp hội DN TP.Hồ Chí Minh (HUBA) cũng cho biết, có tới 41% DN được khảo sát phản ánh không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hằng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của DN, hiện nay, các ngân hàng vẫn chủ yếu cho vay ngắn hạn trong khi những DN chuyển đổi công nghệ sản xuất xanh lại cần nguồn vốn dài hạn. Chưa kể, việc tiếp cận các gói cho vay ưu đãi đối với DN chế biến, xuất khẩu thủy sản, nhất là các DN nhỏ và vừa của ngành này cũng rất khó khăn.

Một vấn đề nổi cộm được ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA - phản ánh là các DN đang gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, đặc biệt thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai như phê duyệt phương án sử dụng đất, ký các hợp đồng thuê đất, thậm chí có DN đã nộp tiền sử dụng đất nhưng không ra được sổ đỏ, dẫn đến không thể thế chấp cho ngân hàng.

Giải quyết vướng mắc về thủ tục pháp lý và điều kiện vay vốn

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng cần tập trung giải quyết vướng mắc pháp lý về đất, giúp DN ký các hợp đồng thuê đất để có cơ sở xin phép xây dựng, triển khai dự án và điều này giúp dòng vốn cho các dự án được khơi thông. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt - ông Bùi Quang Anh Vũ, cũng kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết các thủ tục pháp lý, tạo thuận lợi cho DN vay vốn.

Cũng từ góc nhìn pháp lý, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - ông Trương Văn Phước - khuyến nghị việc xử lý ách tắc trong thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản sẽ giúp khơi thông tín dụng.

Bên cạnh thủ tục pháp lý, việc tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm cũng sẽ tạo thuận lợi cho DN trong tiếp cận tín dụng. Do đó, HUBA kiến nghị, ngân hàng nên xem xét tăng tỷ lệ thế chấp đối với tài sản bảo đảm là đất nông nghiệp, đất thuê hằng năm.., mở rộng cho vay theo hợp đồng với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.

Đồng thời, HUBA kiến nghị xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn.

Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ DN xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng thay vì kết thúc vào ngày 30/6 tới. Ngân hàng cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh cho vay tín chấp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 32/CĐ-TTg gửi Thống đốc NHNN Việt Nam về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Theo đó, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục có chính sách đột phá đối với các gói tín dụng ưu đãi; khẩn trương rà soát toàn diện, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện hạn mức tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực để có biện pháp điều hành hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024 và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn thêm 6 tháng nữa thay vì kết thúc vào ngày 30/6 tới. Ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN tiếp cận vốn vay, nhưng trên nguyên tắc là không hạ chuẩn cho vay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ chính sách để tạo thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận vốn. “NHNN đã giao hạn mức tín dụng cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với 15%. Nếu điều kiện cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì NHNN có thể xem xét tăng hạn mức tín dụng” - ông Đào Minh Tú khẳng định./.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp cần cơ chế thuận lợi hơn trong tiếp cận tín dụng