Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro trong thương mại điện tử

(BKTO) - Theo các chuyên gia, sự phát triển của thương mại điện tử đã và đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cùng với đó, các DN cũng phải đối mặt với nguy cơ gặp nhiều rủi ro hơn, đòi hỏi các DN cần nâng cao khả năng phòng ngừa, kiểm soát rủi ro để có thể thu “trái ngọt” khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

13.jpg
Kinh doanh trên môi trường trực tuyến, các DN có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Ảnh sưu tầm

Nhiều rủi ro tiềm ẩn khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử

TS. Nguyễn Trần Hưng - Trưởng Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại - cho biết, trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá có sự tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất và hấp dẫn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Theo đó, quy mô thị trường từ mức chỉ đạt khoảng 6,2 tỷ USD vào năm 2017 đã tăng lên đạt khoảng 16,4 tỷ USD vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2017-2022 khá cao, khoảng 22%.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các chuyên gia cho rằng, kinh doanh trên nền tảng trực tuyến đã trở thành một phương thức hữu hiệu cho các DN đẩy mạnh phát triển ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới. Bởi lẽ, khi sử dụng phương thức thương mại điện tử, tất cả các quy trình tiếp cận khách hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng, thủ tục giao nhận hàng, thanh toán… hầu hết đều thực hiện trực tuyến, nhờ đó đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho DN. Đặc biệt, sử dụng phương thức thương mại trực tuyến để xuất khẩu, các DN Việt có cơ hội tiếp cận với người mua toàn cầu mà không bị giới hạn về không gian, thời gian, nhờ đó giúp mở rộng thị trường xuất khẩu… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử cũng khiến các DN phải đối mặt với không ít rủi ro.

Phân tích cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, trước hết, vận dụng thương mại điện tử để thực hiện hoạt động kinh doanh, các DN có thể phải đối mặt với nhiều hình thức lừa đảo. Đơn cử, đó có thể là việc đối tác ký hợp đồng bán hàng cho DN nhưng không giao hàng hoặc giao hàng không đúng số lượng, chất lượng đã thỏa thuận; hoặc đối tác ký hợp đồng mua hàng của DN nhưng không thanh toán, hoặc làm giả chứng từ để nhận hàng… Những hình thức lừa đảo ngày càng phức tạp, tinh vi, nhất là trong các giao dịch thương mại quốc tế. “Theo một kết quả khảo sát do PwC Việt Nam thực hiện trong năm 2022, có 52% DN Việt cho biết họ đã từng trải nghiệm lừa đảo thương mại quốc tế trong 2 năm trước thời điểm khảo sát; con số này cao hơn mức 46% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu” - ông Tuấn thông tin.

Rủi ro nữa theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, đó là DN có thể mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Hiện nay, nhiều đối tượng lừa đảo lập các website bán hàng với vai trò là nhà phân phối cho các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng, tuy nhiên, các sản phẩm cung cấp là hàng giả, hàng nhái. Do đó, nếu DN không tìm hiểu kỹ khi tìm kiếm nguồn hàng trên nền tảng thương mại điện tử thì có thể sẽ bị thiệt hại rất nặng nề. Ngoài ra, kinh doanh trên môi trường trực tuyến, DN còn có thể phải đối mặt với rủi ro về rò rỉ thông tin, rủi ro an ninh mạng…

Doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa rủi ro

Theo các chuyên gia, do đặc thù DN Việt Nam phần lớn là có quy mô vừa và nhỏ, nhiều DN còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nên rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo hoặc vướng vào các vụ việc tranh chấp thương mại. Do đó, việc nâng cao khả năng phòng ngừa, kiểm soát rủi ro khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là một yêu cầu cấp thiết đối với các DN trong bối cảnh thương mại điện tử đã, đang trở thành phương thức kinh doanh phổ biến trên toàn cầu.

Theo đó, đưa khuyến nghị cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, khi giao dịch trực tuyến, đầu tiên DN cần phải kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng, toàn diện các thông tin về đối tác, nhất là khi giao dịch với đối tác mới. Theo đó, DN cần đề nghị đối tác cung cấp các giấy tờ cơ bản để kiểm chứng mức độ uy tín, tình hình hoạt động, khả năng tài chính. Đối với các đối tác nước ngoài, trong trường hợp bị hạn chế về việc xác minh thông tin, tối ưu nhất là DN nên thuê các công ty tư vấn, luật sư uy tín tại nước sở tại hoặc liên hệ cơ quan đại diện, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ xác minh đối tác trước khi đàm phán, ký hợp đồng lớn.

Lưu ý thêm đối với việc giao dịch với các đối tác nước ngoài, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho rằng, DN cần đặc biệt chú trọng đến phương thức thanh toán quốc tế. Theo đó, DN cần lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp; trong 3 phương thức thanh toán quốc tế phổ biến thì phương thức chuyển tiền (T/T) thường dùng cho khách hàng mới; phương thức nhờ thu chỉ dùng với khách hàng thân thiết và phương thức thư tín dụng (L/C) được sử dụng cho hợp đồng giá trị lớn.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, DN cần chú ý đến việc lưu trữ tất cả các thông tin trong quá trình giao dịch trực tuyến, nhằm có được những chứng cứ, tài liệu phục vụ điều tra trong trường hợp xảy ra các tranh chấp thương mại, kiện tụng. Song song với đó, trong thương mại điện tử, DN phải chú trọng nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hợp đồng, đảm bảo các điều khoản trong hợp đồng phù hợp, chặt chẽ. Đặc biệt, trong trường hợp DN thuê đơn vị môi giới soạn thảo hợp đồng thì DN cần nghiên cứu kỹ hợp đồng, tránh việc hợp đồng thiếu nhiều điều khoản quan trọng, có thể gây bất lợi hoặc rủi ro cho DN. Đồng thời, DN cũng cần nâng cao hiểu biết về các quy tắc trong lĩnh vực thương mại điện tử để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra trong các giao dịch thương mại trực tuyến. /.

Theo Báo cáo “e-Conomy SEA 2021” của Google, Temasek, Bain & Company, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025, đến năm 2030 quy mô thị trường có thể đạt khoảng 154 tỷ USD và đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro trong thương mại điện tử