Doanh nghiệp chế biến, chế tạo: Phục hồi tích cực hơn nhưng còn nhiều khó khăn

(BKTO) - Tháng 9/2023, lần đầu tiên Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng dương và tăng 0,3% so với cùng kỳ 2022, cho thấy các điều kiện sản xuất, kinh doanh đã cải thiện, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và mua hàng đều tăng trở lại..., góp phần vào tăng trưởng kinh tế quý III, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn từ bên ngoài và từ nội tại nền kinh tế tác động đến các doanh nghiệp (DN) - bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.

cn.jpg
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN công nghiệp chế biến, chế tạo cải thiện tích cực hơn. Ảnh minh họa: VGP

Xu hướng phục hồi tích cực hơn

Các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá, hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III/2023 tích cực hơn quý II với 67,6% DN đánh giá hoạt động kết quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định (30,1% tốt hơn và 37,5% giữ ổn định); nhưng vẫn có 32,4% DN đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn.

Đưa ra kết quả này, Tổng cục Thống kê nêu rõ, khó khăn vẫn hiện hữu thể hiện ở tất cả các chỉ số cân bằng đều âm. Cụ thể, chỉ số cân bằng chung quý III so với quý II là -2,3%, các chỉ số cân bằng thành phần, gồm chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới, chỉ số cân bằng sử dụng lao động, chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất, chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm đều từ -11,1% đến -1,6%.

Theo kết quả khảo sát quý III/2023, có 66,6% DN chế biến, chế tạo nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý II/2023 (27,6% tăng, 39% giữ nguyên); 33,4% DN nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Xét theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ DN nhận định về đơn đặt hàng mới quý tăng cao nhất với 47,8%. Ngược lại, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ DN nhận định về đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 46,7%.

Trên cơ sở số lượng đơn đặt hàng như vậy, trong số các DN được khảo sát, có 65,7% DN cho biết số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III tăng và giữ nguyên so với quý II/2023 (23% tăng, 42,7% giữ nguyên). Tỷ lệ DN nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng khá tương đồng với tỷ lệ DN có đơn đặt hàng mới khi có 34,3% DN cho biết đã bị giảm.

Bà Nguyễn Thị Hương chỉ ra điểm đáng lưu ý, nếu xét theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ DN nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III/2023 so với quý II/2023 tăng cao nhất với 44,9%.

Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ DN nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 51,9%.

Tuy nhiên, về tổng thể, các DN được khảo sát đều kỳ vọng rằng số lượng đơn đặt hàng mới quý IV/2023 sẽ tăng, với 76,7% DN dự báo tăng và giữ nguyên (37,3% tăng, 39,4% giữ nguyên), 23,3% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Tương ứng với đó, các DN dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV sẽ khả quan hơn với 75,6% DN dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III (30,9% tăng, 44,7% giữ nguyên); 24,4% DN dự báo giảm.

Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 11,1% DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chia sẻ rằng việc sử dụng lao động của DN quý III tăng so với quý trước; 66,7% DN nhận định giữ nguyên và 22,2% DN nhận định giảm.

Phân chia theo ngành kinh tế thì ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ DN nhận định sử dụng lao động quý III so với quý II tăng cao nhất với 32,2%. Ngược lại, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ DN cho biết việc sử dụng lao động giảm nhiều nhất với 39,4%.

Triển vọng quý IV có thể khả quan hơn khi 85,4% số DN dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên; chỉ còn 14,6% DN dự kiến sử dụng lao động giảm.

Nhiều khó khăn hiện hữu

Nhưng yếu tố cần quan tâm được Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra là xu hướng tăng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm.

Ngay từ quý III, thực tế 90,9% DN đã cho biết chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên; chỉ có 9,1% DN cho biết giảm.

Tiếp tục xu hướng này, trong quý IV, có 90,2% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên, chỉ có 9,8% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.

thaco.jpeg
Công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các DN ngành chế biến, chế tạo quý III là 72,5%. Ảnh minh họa: Thaco

Về công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các DN ngành chế biến, chế tạo quý III là 72,5%. Có 43,7% DN đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị trong khoảng từ 70% đến dưới 90%; 26,4% DN đánh giá công suất sử dụng từ 90% đến 100%; 19,2% DN đánh giá công suất sử dụng từ 50% đến dưới 70% và 10,7% DN đánh giá công suất sử dụng dưới 50%.

Nhìn chung, trong quý III, có 67,4% DN đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý trước (31% tăng, 36,4% giữ nguyên), 32,6% DN đánh giá giảm.

Khối lượng sản xuất quý IV được nhận định sẽ khả quan hơn với 77,1% DN dự báo tăng và giữ nguyên (38,7% tăng, 38,4% giữ nguyên), 22,9% DN dự báo khối lượng sản xuất giảm.

Đồng thời, tỷ lệ DN cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý III tăng và giữ nguyên là 86% (15,6% tăng, 70,4% giữ nguyên), 14% DN nhận định giảm.

Trong đó, ngành sản xuất chế biến thực phẩm có tỷ lệ DN nhận định giá bán tăng cao nhất, còn ngành sản xuất kim loại có tỷ lệ DN nhận định giá bán giảm nhiều nhất. Dự báo về giá bán quý IV, có 89,6% DN dự báo tăng và giữ nguyên (17,6% tăng, 72% giữ nguyên), chỉ còn 10,4% DN dự báo giảm.

Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ của các DN vẫn gặp nhiều khó khăn khi kết quả khảo sát cho thấy, có 20,2% DN nhận định khối lượng thành phẩm tồn kho quý III tăng; 49,2% DN đánh giá giữ nguyên và 30,6% đánh giá giảm.

Có 16,5% DN dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm quý IV tăng; 52,8% DN dự báo giữ nguyên khối lượng tồn kho thành phẩm; 30,7% DN dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm giảm.

Kết quả khảo sát về tồn kho nguyên liệu cũng cho thấy, có 69,8% DN nhận định tồn kho nguyên vật liệu quý III tăng và giữ nguyên, 30,2% DN nhận định giảm.

15,8% DN đánh giá khối lượng tồn kho nguyên vật liệu quý IV tăng, 54,8% DN đánh giá giữ nguyên và 29,4% DN dự kiến giảm khối lượng tồn kho nguyên vật liệu. Do đó, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phục hồi tích cực hơn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các tháng tiếp theo, các DN công nghiệp chế biến, chế tạo mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm; đồng thời kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Đối với các DN gặp khó khăn về tài chính, nhất là các DN nhỏ và vừa, cần có chính sách giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để DN có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh kịp thời và hiệu quả - bà Hương cho biết.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp chế biến, chế tạo: Phục hồi tích cực hơn nhưng còn nhiều khó khăn