Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đứng trước nhiều rào cản

(BKTO) - Các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng năng suất cho khu vực tư nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, những thách thức trong hệ sinh thái khởi nghiệp có thể gây cản trở tiềm năng tăng trưởng của các DN này.

dn-khoi-nghiep.jpg
Các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần có thêm các chính sách hỗ trợ để phát triển. Ảnh minh họa

Thiếu hụt lao động có kỹ năng, gặp khó trong vận hành doanh nghiệp

Theo Báo cáo đẩy mạnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong số 200 DN khởi nghiệp tham gia khảo sát DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023, có 44% cho rằng rất vất vả mới tuyển dụng được nhân sự có kỹ năng và trình độ phù hợp.

Các DN được WB phỏng vấn cho biết sinh viên kỹ thuật và khoa học máy tính thường được tuyển dụng trước khi nhận bằng do cạnh tranh ngày càng cao để có được kỹ năng của họ.

Theo khảo sát DN năm 2015 của WB, 37% các DN cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động có đủ kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Người trả lời cũng cho biết về tình trạng khan hiếm lao động có các kỹ năng quản lý sản phẩm, phát triển kinh doanh và marketing, đặc biệt là lao động ở các vị trí lãnh đạo DN.

rao-can.jpg
Nguồn: WB

Mặc dù mức độ sẵn sàng tiếp nhận đầu tư của các DN khởi nghiệp đã được cải thiện trong 5 năm qua nhưng nhiều nhóm sáng lập viên vẫn gặp khó khăn khi vận hành DN khởi nghiệp cơ bản, đặc biệt trong việc tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường, quản lý tài chính, xây dựng chiến lược phát triển và làm việc nhóm.

Chính sách hỗ trợ manh mún, tiếp cận tài chính là thách thức lớn

Báo cáo của WB cho biết các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Chính phủ còn manh mún. Hoạt động triển khai chính sách lại bị phân tán ở nhiều cơ quan trực thuộc, dẫn đến chồng chéo và thiếu phối hợp.

Khác với các quốc gia phát triển, tại Việt Nam, các tổ chức trung gian sử dụng vốn của Nhà nước chỉ cung cấp số lượng hạn chế các dịch vụ cho DN khởi nghiệp, trong khi khu vực tư nhân chưa tham gia đầy đủ việc thiết kế và vận hành các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, khiến chất lượng hỗ trợ chưa được như ý.

Các chương trình của quốc gia nhằm cấp vốn cho nghiên cứu và phát triển, cấp vốn vay ưu đãi cho ứng dụng công nghệ và mua sắm thiết bị còn hạn chế và mỗi chương trình chỉ hỗ trợ chưa đến 100 dự án trong 5 năm qua.

Đề án 884 của Bộ Khoa học và Công nghệ - chương trình hỗ trợ khởi nghiệp hàng đầu của Nhà nước - đã hỗ trợ cho khoảng 2.000 dự án với tổng kinh phí khoảng 84 triệu USD kể từ năm 2018. Tuy nhiên, chất lượng và công tác xác định đối tượng đào tạo vẫn chưa đảm bảo.

Trong số các DN tham gia khảo sát của WB, chỉ có 2% cho biết họ được Nhà nước hỗ trợ tài chính, tài trợ hoặc cho vay trong những giai đoạn phát triển DN ban đầu và 7% kỳ vọng hoặc đã được Nhà nước hỗ trợ vốn trong các giai đoạn sau.

Hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo chủ yếu dành cho một vài các công ty đa quốc gia lớn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận tài chính vẫn là thách thức lớn đối với khu vực tư nhân ở Việt Nam, nhất là đối với các DN khởi nghiệp. Theo WB, trên 2/3 (69%) DN trả lời cho biết họ gặp khó khăn về tiếp cận tài chính trong quá trình phát triển.

“Sự thiếu hỗ trợ của Nhà nước và các nhà đầu tư được coi là cấp thiết nhất đối với các DN khởi nghiệp dựa vào quyền sở hữu trí tuệ và phát triển phần cứng, do các hoạt động này đòi hỏi nhiều vốn để phát triển” - ông Đặng Quang Vinh, chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân của WB.

Vốn đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đã và đang tăng nhanh trong 5 năm qua. Tuy nhiên, chỉ có 15% các DN tham gia khảo sát cho biết được nhận vốn đầu tư mạo hiểm trước khi ra mắt sản phẩm, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ các DN tự huy động vốn hoặc tiếp nhận đầu tư của người thân và bạn bè trong giai đoạn phát triển ban đầu.

“Vùng xám” pháp lý cản trợ hoạt động đổi mới sáng tạo

Mặc dù môi trường kinh doanh gần đây đã được cải thiện nhưng các DN khởi nghiệp và nhà đầu tư ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức liên quan đến các quy định.

Thủ tục hành chính để xin giấy phép con trong một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn phiền hà, làm tăng chi phí vận hành cho các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Các DN ở Việt Nam phải xin một hoặc nhiều giấy phép con trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có điều kiện mới có thể tham gia một lĩnh vực bất kỳ trong số trên 200 ngành, lĩnh vực kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư. Điều này có thể làm phát sinh gánh nặng về chi phí và thủ tục hành chính đáng kể cho các DN khởi nghiệp - đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, công nghệ sinh học và y tế.

Ví dụ, các DN công nghệ tài chính (finech) phải qua Bộ Công Thương để được cấp phép hoạt động thương mại điện tử và được phê duyệt ứng dụng trang điện tử, qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thanh toán liên ngân hàng, qua Bộ Thông tin và Truyền thông nếu DN có liên quan đến nội dung số.

“Vùng xám” pháp lý trong nhiều hoạt động kinh tế có thể gây cản trở đầu tư ở một số lĩnh vực. Các sáng lập viên khởi nghiệp và nhà đầu tư được WB phỏng vấn đã chỉ ra một số hoạt động kinh tế như lưu trữ dữ liệu y tế hoặc sử dụng không gian công cộng cho hạ tầng phương tiện giao thông đang lúng túng về quy định pháp luật, hơn nữa không có cơ quan nhà nước hoặc đối tác đầu mối để tìm hiểu.

Trong số các DN tham gia Khảo sát DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 của WB, 38% cho biết có thách thức trong tiếp cận thị trường. Một số quy định tạo rào cản cho khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải và truyền thông.

Khung pháp lý về đăng ký thành lập quỹ đầu tư trong nước còn hạn chế và chưa tạo động lực cho các nhà đầu tư. Tuy Nghị định số 38 đã tạo ra căn cứ pháp lý để đăng ký thành lập "quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" trong nước nhưng các quỹ đó còn gặp hạn chế về các hoạt động đầu tư, đồng thời các nhà đầu tư trong nước chưa có động lực đầu tư với tư cách là đối tác hạn chế.

Sự thiếu đồng bộ và mâu thuẫn trong khung chính sách về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam gây cản trở quá trình lan tỏa tri thức và công nghệ cho khu vực tư nhân. Việt Nam đã triển khai những cải cách cơ cấu quan trọng về thị trường sản phẩm nhưng khả năng tiếp cận vẫn chưa đồng đều.


Phát triển doanh nghiệp cả về lượng và chất

Báo cáo của WB nhấn mạnh: Các DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng năng suất của quốc gia. Mặc dù Việt Nam đã hình thành được các DN mới, tăng trưởng cao nhưng năng suất của các DN trong nước còn thấp và điều đó có thể ảnh hưởng đến mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Chính vì vậy, nhu cầu cấp thiết hiện nay là các nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ các DN trong nước có năng suất cao hơn và đổi mới sáng tạo gia nhập thị trường.

Cụ thể hơn, theo ông Đặng Quang Vinh, Đề án 844 cần tái định hướng để hỗ trợ tốt hơn. Theo đó, cần hỗ trợ tập trung vào các DN khởi nghiệp, để các DN này có thể tăng trưởng, tạo ra tác động với nền kinh tế. Đồng thời, Chính phủ cần cải thiện khung pháp lý, đặc biệt là Nghị định số 38 nhằm khuyến khích thúc đẩy đầu tư vào DN khởi nghiệp.


Để các doanh nhân phát triển hưng thịnh, họ cần có môi trường hoạt động thuận lợi dưới hình thức “hệ sinh thái khởi nghiệp”. Đó là một loạt các yếu tố thể chế, chính sách và thị trường nhằm nuôi dưỡng và tạo thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp.

Ông Đặng Quang Vinh - chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân của WB

Ngoài ra, theo ông Đặng Quang Vinh, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải nâng cao mức độ đóng góp của các cơ quan học thuật, các trường đại học, viện nghiên cứu, bổ sung kiến thức sáng chế vào DN để những doanh nhân khởi nghiệp có thể sử dụng kiến thức đó.

Báo cáo của WB còn đặc biệt nhấn mạnh việc tiến hành nhiều giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm thiếu hụt nguồn tài chính cho đổi mới sáng tạo, loại bỏ rào cản gia nhập và phát triển.

“Cần làm thêm nhiều việc để hiện thực hóa tiềm năng của các DN trên toàn bộ nền kinh tế, bao gồm tái định hướng cho hệ thống hỗ trợ DN nhằm nâng cao năng lực DN thông qua áp dụng công nghệ và các giải pháp số, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển kỹ năng, cải thiện nặng lực quản trị DN và tiếp cận tài chính” - WB khuyến nghị./.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đứng trước nhiều rào cản