Ảnh minh họa |
Niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm sút
Các cuộc khảo sát về tâm lý kinh doanh năm 2021 do CPA Australia và Đại học Monash Malaysia thực hiện tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hồng Kông và Malaysia đều cho thấy, đại dịch và nền kinh tế toàn cầu suy yếu đã tác động mạnh mẽ đến niềm tin kinh doanh. Theo đó, đại dịch tiếp tục giáng một đòn mạnh vào triển vọng kinh doanh cho năm 2021 và nhiều nhà lãnh đạo DN dự đoán năm 2021 còn khó khăn hơn năm 2020.
Các cuộc khảo sát được thực hiện ở Trung Quốc và Hồng Kông cũng cho thấy, DN có nguy cơ giảm số lượng nhân viên trong năm 2021 nhiều hơn năm 2020. 46% người được hỏi ở Hồng Kông cũng dự báo rằng doanh thu của họ sẽ giảm từ 2% trở lên trong năm 2021. Đặc biệt, trong số này, có 24% tin rằng doanh thu sẽ giảm 30% hoặc hơn.
Tương tự, tại Trung Quốc, 24% số người được hỏi ước tính rằng lợi nhuận của công ty năm 2021 sẽ giảm từ 2% trở lên, tăng 4 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát được thực hiện vào năm trước.
Còn với Malaysia, các nhà lãnh đạo DN dự đoán năm 2021 sẽ là một năm khó khăn hơn, với tỷ lệ tiêu cực về môi trường kinh doanh tăng từ 16% vào năm 2020 lên 24% vào năm 2021. Đồng thời, tỷ lệ DN Malaysia thiếu tự tin đã tăng từ 10% lên 15% và có tới 31% cho rằng doanh thu của công ty họ sẽ giảm hơn gấp đôi năm 2021 (năm 2020 chỉ có 15%).
Nỗ lực phục hồi và chuyển đổi kỹ thuật số
Mặc dù vậy, các DN vẫn thể hiện thái độ chủ động và tập trung vào việc quản lý tình hình tài chính khi phải đối mặt với những khó khăn. Theo đó, các DN Trung Quốc đã chọn chuyển đổi kỹ thuật số, quản lý chi phí và khám phá các thị trường mới để mở rộng tiềm năng là ba lĩnh vực trọng tâm hàng đầu trong năm 2021. 57% DN dự kiến sẽ tăng đầu tư vào công nghệ vào năm 2021, tăng 7 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát được thực hiện năm trước.
Với điều kiện kinh doanh khó khăn, các DN ở Hồng Kông lại cho thấy rằng họ sẽ tập trung vào chiến lược phòng thủ hơn, với việc giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cải thiện dòng tiền và chuyển đổi kỹ thuật số là những lĩnh vực trọng tâm hàng đầu.
Tương tự, các lĩnh vực trọng tâm quan trọng nhất đối với các DN Malaysia là phục hồi và tái tạo kinh doanh, tăng trưởng lợi nhuận và chuyển đổi kỹ thuật số. Trong đó, tỷ lệ các công ty đã triển khai một phần hoặc đã triển khai toàn bộ các công nghệ tương đối cao, chẳng hạn như điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo đã tăng từ 74% vào năm 2019 lên 79% vào năm 2020. Điều này cho thấy điều kiện kinh tế khó khăn hơn đã buộc các DN phải thực hiện những thay đổi lớn để duy trì lợi nhuận và đảm bảo đủ dòng tiền.
Kết quả từ các cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng, khi các công ty tăng cường tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, nhu cầu ngày càng tăng đối với nhân tài có các kỹ năng liên quan đến số hóa và áp dụng công nghệ. Ở Malaysia, kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông đã vượt qua yếu tố cá nhân, đồng thời tinh thần đồng đội đã trở thành kỹ năng quan trọng thứ hai mà những người được hỏi tin rằng sinh viên tốt nghiệp đại học nên có.
Tương tự, tại Trung Quốc, kỹ năng kỹ thuật số đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng năng lực các nhân viên nên có, tiếp theo là tính linh hoạt và khả năng thích ứng, sáng tạo, đổi mới. Tại Hồng Kông, khả năng sáng tạo và đổi mới, tư duy phản biện và kỹ năng phân tích, kỹ thuật số cũng là những kỹ năng việc làm cần nhất.
Từ những khám phá trên, các chuyên gia CPA Australia và Đại học Monash khuyến nghị DN xem xét một số vấn đề trọng tâm: Các hoạt động để tìm kiếm các cải tiến, chẳng hạn như thông qua số hóa và tự động hóa; văn hóa đổi mới trong toàn công ty thông qua các chương trình đào tạo nhằm phát triển và cải thiện các kỹ năng kỹ thuật, kỹ thuật số của nhân viên.
Kiểm soát chi phí ở mức phù hợp với nhu cầu của công ty thay vì chỉ cắt giảm chi phí. Tiết kiệm dài hạn và định kỳ tốt hơn so với các khoản tiết kiệm ngắn hạn; thận trọng tìm hiểu các cơ hội để đa dạng hóa và mở rộng thị trường trong và ngoài nước./.
THÙY LÊ (tổng hợp)