Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh đánh giá về những thách thức

(BKTO) - Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Cộng đồng DN Việt Nam nói chung, thậm chí cả những DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, cũng đang trải qua giai đoạn chuyển đổi với nhiều thách thức từ cả trong và ngoài nước.




Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát DN FAST500, tháng 3/2020

Nhiều khó khăn hiện hữu

Kết quả khảo sát các DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam vừa được Vietnam Report tiến hành tháng 3/2020 cho thấy, các DN đang phải ứng phó với 5 thách thức và rào cản lớn, gồm: biến động thị trường do tác động của dịch bệnh Covid-19; sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh; chi phí đầu vào tăng; các thủ tục hành chính phức tạp; lo lắng về những bất ổn trong môi trường kinh doanh.

Sự “đứt gãy” cả về cung và cầu sẽ bị kéo dài trên toàn cầu cho đến khi vắc-xin chống Covid-19 được sử dụng rộng rãi (dự báo nhanh nhất là đến giữa năm 2021), nhưng những hậu quả kinh tế sẽ tồn tại dai dẳng trong trung hạn và dài hạn. Nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn cầu có quy mô tương đương đại suy thoái năm 1930 là có thể xảy ra. Nền kinh tế và xã hội toàn cầu khó có thể ngay lập tức trở lại tình trạng “bình thường” như trước đại dịch nhưng sẽ có sự nổi lên của các quan điểm phát triển mới, các xu hướng mới và luật chơi kinh tế mới.

Một số chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam có khả năng bị tác động tiêu cực nặng nề bởi đại dịch. Điều này có thể thấy qua tốc độ tăng trưởng sụt giảm rất mạnh, sản xuất đình đốn, khu vực dịch vụ có thời gian bị đóng cửa, thất nghiệp tăng mạnh, các DN gặp khó khăn trên diện rộng, thu nhập của người dân thuộc nhóm dễ bị tổn thương giảm mạnh tiềm ẩn bất ổn xã hội, đặc biệt nếu giá cả không được kiểm soát tốt. Trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, không kết thúc theo mùa vụ, những khó khăn này sẽ tăng lên nhiều lần.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, các DN trong Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) cho biết, họ sẽ tập trung vào 4 ưu tiên chiến lược, đó là: nỗ lực tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận trong các thị trường hiện tại (79,2%); cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng năng suất (66,7%); quảng bá và phát triển sản phẩm/dịch vụ mới (41,7%); cắt giảm chi phí (39,6%). Riêng đối với vấn đề nhân lực, do ảnh hưởng nhiều từ tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều DN tăng trưởng nhanh đang lựa chọn giải pháp chiến lược là tự động hóa một số chức năng nhất định trong DN và đào tạo cho lực lượng lao động sử dụng công nghệ nhằm tinh gọn bộ máy.

Tăng trưởng nhanh cần sự đồng hànhcủa Chính phủ

Từ năm 2015 đến 2019 được đánh giá là giai đoạn tăng trưởng ổn định của các DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trung bình của FAST500 đạt khoảng 28%. Xét theo khu vực kinh tế, giai đoạn này chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, thể hiện rõ vai trò tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế nước nhà, với mức CAGR trung bình lớn nhất, 30,1%. Số lượng DN thuộc khu vực này cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong FAST500 với tỷ lệ 74,2%. Với một khu vực kinh tế đang tạo ra khoảng 42% GDP, đóng góp 30% vào NSNN và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, tốc độ tăng trưởng ổn định và sự góp mặt ngày càng nhiều DN tư nhân trong Bảng xếp hạng FAST500 những năm gần đây cũng là một minh chứng rõ ràng cho tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế này trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.

Top 5 yếu tố được các DN đánh giá đóng góp cho tăng trưởng nhiều nhất trong 5 năm vừa qua (2015-2019) là: tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực (52,1%); phát triển các dòng sản phẩm mới (47,9%); mở rộng thị trường hiện có (45,8%); phát triển các phân khúc thị trường mới (35,4%) và sẵn có lao động có tay nghề với chi phí cạnh tranh (25%).

Xét trên khía cạnh ngành nghề, khối ngành dịch vụ và công nghệ, điển hình như: Thực phẩm - Đồ uống; Bán lẻ; Viễn thông - Công nghệ thông tin (CNTT)... những năm gần đây đã không ngừng phát triển. Bảng xếp hạng FAST500 năm 2020 tiếp tục ghi nhận sự có mặt của những DN ngành này trong cơ cấu ngành nghề có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao.

Nhận định về những ngành sản xuất, kinh doanh nào sẽ lên ngôi trong 3 năm tới, các DN tăng trưởng nhanh cho rằng, Top 5 ngành tiềm năng nhất là Viễn thông - CNTT, Nông nghiệp sạch, Công nghệ sạch, Bán lẻ và Y tế - Dược phẩm. Kết quả này cũng thể hiện đúng xu hướng phát triển của các DN trong nước hiện nay, đó là hướng đến đẩy mạnh phát triển công nghệ gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy nông nghiệp sạch - công nghệ sạch; ứng dụng CNTT, tự động hóa; giảm thiểu thời gian cũng như tiết kiệm chi phí trong quá trình giao nhận và tăng cường sự kết nối giữa các quốc gia. Song song với đó, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe luôn là yếu tố được chú trọng hàng đầu, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch bùng phát và diễn biến phức tạp như hiện nay.

Bày tỏ mong muốn có được sự đồng hành của Chính phủ, các DN tăng trưởng nhanh cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường pháp lý. Đồng thời, cần hỗ trợ hiệu quả cho các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm mới của mỗi ngành và giảm lãi suất tín dụng trong năm 2020. Đối với các DN, đây là những khuyến nghị chính sách cần được ưu tiên nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của DN trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc cải thiện môi trường pháp lý là “chìa khóa” để hỗ trợ DN hội nhập thành công, đón đầu những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, cũng như tạo sự ổn định nền tảng để giúp DN đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững.

P.KHANG
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh đánh giá về những thách thức