Hàng Việt hiện diện, chiếm tỷ lệ lớn trong các siêu thị. Ảnh: quangnam.gov.vn |
Chuyển biến trong sử dụng, tiêu dùng hàng Việt
Đánh giá trên được ông Hồ Xuân Trường - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Khối DNTW nhấn mạnh tại Hội nghị “Các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau”.
Theo ông Hồ Xuân Trường, 3 năm qua, Đảng ủy Khối đã ban hành 12 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các Đảng ủy trực thuộc đẩy mạnh triển khai thực hiện Cuộc vận động; tập trung chỉ đạo xây dựng, thực hiện chương trình, có kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm việc triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Đảng ủy Khối về thực hiện Cuộc vận động.
Trên cơ sở đó, Cuộc vận động đã được các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối triển khai hiệu quả, thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét về thói quen dùng hàng Việt, kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng trong nước; tăng tỷ lệ nội địa hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; mở rộng thị trường.
Đặc biệt, tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp trong Khối đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu, bưu chính viễn thông, tiền tệ, tín dụng chính sách xã hội... Những kết quả đạt được thông qua Cuộc vận động đã góp phần giúp các doanh nghiệp trong Khối hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.
Số liệu báo cáo cho thấy, từ năm 2020 đến nay, toàn Khối có 170.820 công trình, sáng kiến, giải pháp từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trị giá gần 711.400 tỷ đồng; tiết kiệm, làm lợi cho doanh nghiệp, đơn vị hàng nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, có 191.331 dự án, công trình, sản phẩm, dịch vụ thuộc 20/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối sử dụng vật tư, nguyên liệu trong nước trong mua sắm, đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào, với tổng giá trị hơn 944 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về việc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, trong 3 năm (2020-2022), có 24/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã ký kết 149 lượt thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, với 1.543 hợp đồng đã ký kết, tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.403 tỷ đồng.
Tiếp tục hưởng ứng, phát huy hiệu quả của Cuộc vận động
Khẳng định Cuộc vận động cũng như thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã mang lại hiệu quả thiết thực, to lớn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng Ban chỉ đạo TW Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” minh chứng, hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã lên đến 80-90%, riêng tỷ lệ hàng Việt tại chuỗi siêu thị Go của Tập đoàn Central Retail đã lên đến 94-96%; tại chợ truyền thống cũng đạt tới 60-70%...
Kết quả này giúp cho việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam ngày càng bền vững; sức mạnh của hàng Việt trong các hệ thống phân phối, bán lẻ đều tăng lên.
Hay như “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” được ký kết giữa 16 tập đoàn, tổng công ty vào năm 2012, cùng với đó là 11 tập đoàn, tổng công ty đã ký kết Bản ghi nhớ song phương tiêu thụ sản phẩm của nhau đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đồng thời đóng góp hiệu quả vào việc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trên cơ sở đó, các tập đoàn, tổng công ty đã ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa, dịch vụ của nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện hợp tác tối đa trên tất cả các lĩnh vực mà các doanh nghiệp cùng quan tâm.
Việc thực hiện Thỏa thuận trên đã đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các tập đoàn, tổng công ty với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng; góp phần giảm tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng thị phần tại thị trường trong nước của các sản phẩm từ các tập đoàn, tổng công ty.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả thực hiện Cuộc vận động, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Đảng ủy Khối DNTW cần tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các tổ chức Đảng trực thuộc tăng cường triển khai Cuộc vận động theo Kết luận 107-KL/TW ngày 10/4/2015 và Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới.
“Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Cuộc vận động trong tình hình mới; cũng như triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025”, Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tích cực triển khai Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”; xây dựng ứng dụng “Make in VietNam” để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng… trong Khối DNTW nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển, xây dựng và tạo cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Trong vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khuyến nghị với các doanh nghiệp, muốn Cuộc vận động thành công thì chất lượng hàng hóa, dịch vụ phải được nâng lên, phù hợp với thị hiếu người Việt, đồng thời giá cả phải cạnh tranh, chính sách hậu mãi phải tiện lợi với người tiêu dùng./.