Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số

(BKTO) - Chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp (DN) trụ vững và phát triển. Tuy nhiên, các DN vẫn đang gặp không ít khó khăn, rào cản trong quá trình triển khai chuyển đổi số.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Chia sẻ tại Diễn đàn “Đồng hành cùng DN nhỏ và vừa trong chuyển đổi số”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức vào sáng 09/11, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI - cho biết, hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành một trong những nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

20221109_083841.jpg
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: D.THIỆN

Cũng theo ông Nghĩa, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế số, bởi lẽ, Việt Nam có thị trường nội địa gần 100 triệu người, dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao với 70% dân số sử dụng internet (xếp thứ 13/20 quốc gia có số dân sử dụng mạng internet đông nhất thế giới) và có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh.

Với tiềm năng đó, năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đã đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước.

“Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng khoảng 29%/năm” - ông Nghĩa thông tin.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng DN cũng đã, đang diễn ra một cách mạnh mẽ, nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý.

Theo đó, nhiều DN đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán - tài chính, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới.

Cũng theo ông Đông, để thúc đẩy DN chuyển đổi số, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng như các chiến lược, chương trình hành động về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ chuyển đổi số cho DN Việt Nam…

Đặc biệt, từ đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu 100% DN Việt Nam đều được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hỗ trợ các DN điển hình chuyển đổi số thành công.

Sau gần 2 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực ban đầu.

Cụ thể, Cổng thông tin về chuyển đổi số DN được xây dựng, cung cấp trực tuyến và miễn phí bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, các cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số cho DN và nhận được hơn 400.000 lượt tiếp cận, sử dụng.

Bên cạnh đó, Chương trình đã thực hiện tư vấn chuyên sâu 1-1 cho hơn 100 DN để giải quyết các vấn đề chuyển đổi số cụ thể, hỗ trợ DN chuyển đổi số thành công làm các mô hình điển hình.

Đồng thời đào tạo cơ bản trực tiếp cho khoảng 6.500 DN tại 15 địa phương; đào tạo nâng cao, đào tạo lại cho lực lượng lao động tại 13 địa phương về đổi mới sáng tạo và kỹ năng số.

Ngoài ra, Chương trình còn thiết lập mạng lưới gồm hơn 100 chuyên gia về chuyển đổi số, tổ chức đào tạo để nâng cao chất lượng hệ sinh thái về hỗ trợ DN chuyển đổi số…

Còn nhiều khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp

Ông Bùi Trung Nghĩa chia sẻ, thực hiện chuyển đổi số sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho DN. Cụ thể, DN có thể mở rộng tập khách hàng và thị trường tiềm năng; gia tăng trải nghiệm cho khách hàng; sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng; tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự; tăng hiệu suất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh…

“Nếu thực hiện thành công chuyển đổi số, DN sẽ có năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các DN còn lại” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Mặc dù có nhiều lợi ích, song thực tế cho thấy, các DN vẫn gặp không ít khó khăn, rào cản trong quá trình triển khai chuyển đổi số, nhất là đối với DN nhỏ và vừa.

Cụ thể, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, một kết quả khảo sát gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện cho thấy, 60,1% DN phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi chuyển đổi số là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% DN gặp khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số và thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh của DN.

Ngoài ra, DN còn gặp khó khăn trong việc thiếu cơ sở hạ tầng, thông tin về công nghệ số; khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số; sợ rò rì dữ liệu của DN; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động…

Báo cáo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ) cho thấy, chỉ có 11% DN thành công trong quá trình chuyển đổi số; 89% DN còn lại thất bại trong quá trình chuyển đổi số.

Từ thực tế đó, để tạo cơ hội cho DN chuyển đổi số thành công, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, VCCI - cho rằng, DN cần được hỗ trợ cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược, lộ trình chuyển đổi số hiệu quả.

Bên cạnh đó, DN cũng cần được hỗ trợ về tài chính để ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nội bộ DN; cung cấp các bộ chỉ số để đo lường khả năng chuyển đổi số, giúp DN xây dựng lộ trình thực hiện một cách bài bản và quy mô…

Về phía DN, ông Bùi Trung Nghĩa cho rằng, DN cần phải xác định chiến lược chuyển đổi số là một phần của chiến lược kinh doanh. Theo đó, chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên năng lực và thực trạng của DN, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN.

“Nếu thực hiện chuyển đổi số mà DN gặp khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm được cải thiện thì chưa thể coi là thành công” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Từ góc độ là cơ quan tiên phong dẫn dắt hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong DN, ông Trần Duy Đông cho biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đối tác trong và ngoài nước nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ cho DN khắc phục khó khăn, rào cản để có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chủ động nghiên cứu, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho DN; tích cực triển khai hoàn thiện cơ sở vật chất của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN chuyển đổi số.../.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số