Doanh nghiệp Việt Nam qua “bức tranh tổng quan” Sách trắng

(BKTO) - “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019” là bức tranh đầy đủ về bối cảnh, tổng quan sự phát triển của tất cả các loại hình DN tại Việt Nam: DN tư nhân, DNNN, DN đầu tư nước ngoài trong năm 2018. Cuốn sách vừa được công bố với kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững và hiệu quả của các khối DN trên phạm vi cả nước và từng địa phương.



Điểm sáng doanh nghiệp FDI

Sách trắng nêu rõ, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 714.755 DN đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. 26 địa phương có số DN đang hoạt động tăng cao hơn bình quân cả nước là Bình Dương, Bắc Giang, Sóc Trăng, Bắc Ninh. Trong khi đó, Hà Giang, Bắc Kạn, An Giang, Cà Mau thuộc 37 địa phương có số DN đang hoạt động tăng thấp hơn mức bình quân cả nước.

Tính bình quân tại Việt Nam, cứ 1.000 dân thì có 14,7 DN. Khu vực DNNN chủ yếu gồm các DN có quy mô lớn nên vốn thu hút vào sản xuất - kinh doanh đạt 9,5 triệu tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng vốn của toàn bộ khu vực DN; tổng doanh thu thuần đạt 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 15,1%. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hầu hết là các DN có quy mô lớn, thu hút đáng kể vốn cho sản xuất - kinh doanh với 6 triệu tỷ đồng, chiếm 18,1%; tổng doanh thu thuần đạt 5,8 triệu tỷ đồng, chiếm 28,1%. Khu vực DN ngoài nhà nước thu hút 17,5 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 53% vốn của toàn bộ khu vực DN; tổng doanh thu thuần đạt 11,7 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN.

Nhìn vào những con số trên, không khó để nhận ra một thực tế, trong 3 khu vực DN, khu vực DNNN làm ăn “bết bát” nhất khi cần tới 9,5 triệu tỷ đồng để làm ra 3,1 triệu tỷ đồng doanh thu, tức là phải bỏ ra mất hơn 3 đồng vốn để có được 1 đồng doanh thu. Hiệu quả nhất vẫn là khu vực DN FDI, với 6 triệu tỷ đồng vốn để có được 5,8 triệu tỷ đồng doanh thu, tương đương bỏ ra 1,03 đồng vốn, thu về 1 đồng doanh thu.
Điều này cũng thể hiện khá rõ trong thống kê về lợi nhuận khi khu vực DN FDI đang dẫn đầu. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2017 đạt 876.700 tỷ đồng. Trong đó, khu vực DNNN chiếm 22,9%, khu vực DN ngoài nhà nước chiếm 33,3%, khu vực DN FDI chiếm 43,8%.

Công khai hóa thông tin doanh nghiệp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên thế giới, rất ít nước biên soạn, phát hành Sách trắng doanh nghiệp, tuy nhiên ở Việt Nam, DN hiện đóng góp trên 60% vào GDP, là bộ phận quan trọng nhất trong đóng góp và quyết định quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với vai trò quan trọng như vậy, cần phải có những đánh giá chính xác sự phát triển của DN và mức độ hỗ trợ phát triển DN của các Bộ, ngành, địa phương.

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Công khai hóa thông tin DN rất quan trọng, là tiền đề để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch. Ðây là lần đầu tiên Sách trắng được công bố công khai ra toàn xã hội, thực hiện cam kết của Chính phủ về minh bạch môi trường đầu tư. Từ Sách trắng, có thể nhìn nhận chính xác về tình hình hoạt động của các khối DN, từ đó có những chính sách điều chỉnh, hỗ trợ hợp lý. Cuốn sách cũng đề xuất một số giải pháp và bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển DN tại Việt Nam.

Thông tin DN cũng được cung cấp, phân tích ở các góc độ khác nhau theo ngành kinh tế, loại hình DN và địa bàn. Đây sẽ là tài liệu quan trọng cho các cơ quan nghiên cứu, tài liệu tham khảo cho các nhà đầu tư, DN trong phân tích thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư...

Đồng quan điểm, đánh giá về tầm quan trọng của việc phát hành Sách trắng về DN Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định: Trước đây, các cơ quan chỉ công bố số lượng DN của cả nước, không chi tiết tới từng địa phương, từng lĩnh vực. Còn Sách Trắng DN cung cấp ra 3 chỉ số quan trọng là số lượng, tốc độ phát triển và chất lượng DN của từng địa phương.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành T.Ư sử dụng Sách Trắng DN hằng năm là nguồn thông tin chủ yếu, tin cậy để phục vụ cho nghiên cứu hoạch định chiến lược thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách; đánh giá đúng, thực chất mặt mạnh, yếu trong lĩnh vực phát triển DN, đề xuất chính sách phát triển với mục tiêu cả nước có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020.


NAM SƠN
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp Việt Nam qua “bức tranh tổng quan” Sách trắng