Hải Dương đã và đang phát huy lợi thế vị trí địa lý nằm ở giữa trung tâm chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc khi không ngừng thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI. Thông tin trên là đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương về tình hình đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh vào ngày 17/10.
Hiện Hải Dương có 498 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động. 9 tháng năm 2024, tình hình hoạt động doanh nghiệp FDI có nhiều khởi sắc, doanh thu ước đạt 7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 35,4%; giá trị nhập khẩu ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023. Các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách Nhà nước khoảng 400 triệu USD, tăng 21%.
Hải Dương có 587 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 10,6 tỷ USD đến từ 27 quốc gia. Tổng vốn đã triển khai thực hiện gần 9,2 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho khoảng 230.000 lao động trực tiếp cùng hàng nghìn lao động gián tiếp.
Năm 2024, Hải Dương đặt mục tiêu thu hút 500 triệu USD vốn FDI. Vốn đầu tư thực hiện các dự án từ 850 triệu USD trở lên. Các doanh nghiệp FDI phấn đấu doanh thu ước đạt 9 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 500 triệu USD.
Hải Dương không ngừng thu hút đầu tư, các lĩnh vực chiếm thị phần lớn là công nghiệp chế tạo, chế biến, điện, điện tử đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Tập trung tại một số khu công nghiệp như An Phát 1, Lương Điền – Cẩm Điền, Phúc Điền mở rộng…
Vốn FDI góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu của tỉnh khi luôn chiếm từ 35% - 40% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp.