Doanh thu tăng, triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp ngành dược tích cực

(BKTO) - Gần 90% số doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối và kinh doanh dược phẩm cho biết doanh thu tăng lên; gần 80% số DN ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.

tx.jpg
Sản xuất thuốc tại Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp dược kinh doanh khả quan

Trước kết quả kinh doanh khả quan của DN ngành dược, các chuyên gia nhận định, đại dịch Covid-19 đã tạo ra chuyển dịch nhanh hơn trong cơ cấu doanh thu của ngành dược.

Theo đó, có 4 xu hướng chuyển dịch được các chuyên gia chỉ ra.

Một là, dịch bệnh bùng phát đã khiến người dân hạn chế đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, đồng thời họ cũng chuyển sang mua thuốc điều trị triệu chứng Covid-19 và thực phẩm bổ sung hồi phục sức khỏe giai đoạn hậu Covid-19 tại các nhà thuốc.

Hai là, sự gia tăng tiêu dùng đối với các sản phẩm vitamin hay thực phẩm chức năng để tăng cường hệ miễn dịch, củng cố sức khỏe trong bối cảnh “sống chung với Covid-19”.

Ba là, nhà thuốc theo mô hình hiện đại giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống, khi Chính phủ dần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm.

Bốn là, kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện, do các bệnh viện công thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc.

Những yếu tố trên đã khiến tốc độ tăng trưởng doanh thu dược phẩm năm 2021 của các bệnh viện suy giảm, mặc dù đã có tín hiệu cải thiện vào quý I/2022. Ngược lại, tăng trưởng doanh thu của các nhà thuốc duy trì ổn định ở mức 10% trong năm 2021 và vẫn tiếp tục cải thiện đến hết quý I/2022.

Điều này có thể quan sát được thông qua sự mở rộng mạng lưới mạnh mẽ của hàng loạt chuỗi bán lẻ dược phẩm như Long Châu, Pharmacity, An Khang… trong năm vừa qua. Theo kế hoạch, tổng số nhà thuốc của ba chuỗi bán lẻ này có thể lên đến 7.300 trong năm 2025, tương đương 16% thị phần.

Đến năm 2025, IQVIA dự báo thị trường dược phẩm toàn cầu thiết lập trị giá 1,7 nghìn tỷ USD, còn Fitch Solutions ước tính doanh thu của thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt trên 7,5 tỷ USD, chiếm gần 1,8% GDP.

Sau khi chứng kiến mức giảm liên tục trong 9 tháng cuối năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành thuốc, hóa dược và dược liệu đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong quý I/2022, khởi sắc vào quý II với mức tăng trưởng 24,6% - gần đạt mức tăng trưởng so với cùng thời điểm năm 2020 khi đại dịch chưa bùng phát tại Việt Nam. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số này đạt tăng trưởng 18,3%.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhiều nền kinh tế lớn đang rơi vào suy thoái, kinh tế trong nước cũng liên tiếp gặp nhiều cú sốc, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, DN và người tiêu dùng, ngành dược phẩm cũng chịu những tác động không nhỏ.

Giá cả leo thang và cạnh tranh gay gắt

Kết quả Khảo sát của Vietnam Report thực hiện với các DN dược phẩm trong tháng 10-11/2022 cho thấy, có 4 thách thức hàng đầu ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, gồm: rủi ro từ chuỗi cung ứng, chi phí hậu cần gia tăng; cạnh tranh giữa các DN trong ngành; sự leo thang chi phí nguyên liệu thô và sức ép từ tỷ giá gia tăng.

Thách thức đáng lưu ý nhất xuất phát từ việc ngành dược trong nước còn phải nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài với tỷ lệ khá cao, lên tới 80-90%. Trong đó, số nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng tới 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu.

Dịch bệnh đã bùng phát khiến cho nhu cầu đối với dược liệu nói chung và các hoạt chất nói riêng tăng cao. Trong khi đó, thị trường thuốc nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu đột biến này.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ sự lúng túng của DN trong nước khi chuỗi cung ứng thuốc từ các nước bị đứt gãy. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cũng khiến ngành dược chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, nguồn hàng cung cấp.

Thêm vào đó là chi phí nhập khẩu khiến giá thành xuất khẩu thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ. Theo số liệu thống kê, so với thời điểm giữa năm 2018, giá nhiều nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh từ 15% đến 80%, điều này khiến cho lợi nhuận gộp của nhiều DN dược Việt giảm sâu.

Việt Nam có nguồn dược liệu rất đa dạng nhưng vẫn phải nhập khẩu dược liệu với tỷ trọng cao. Nguyên nhân là do kỹ thuật trồng, chế biến, chiết xuất dược liệu còn chưa được đầu tư xứng đáng.

Tình trạng này đang được kỳ vọng sẽ cải thiện trong tương lai khi mà 64,3% số DN tham gia khảo sát cho biết họ nỗ lực nghiên cứu thị trường, sản xuất ra các loại thuốc phù hợp với nhu cầu của người dân, tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào.

Trong năm vừa qua, 85,7% số DN đã gia tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm; 57,1% số DN nâng cấp, đầu tư nhà máy đạt chuẩn quốc tế; 42,9% số DN đã đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu thuốc và tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất nguyên liệu.

Khó khăn trong cạnh tranh với các DN nước ngoài vẫn được 78,6% số DN tham gia khảo sát dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Các chuyên gia cho rằng, nếu các DN ngành dược muốn tồn tại và phát triển trong một tương lai được xây dựng dựa trên các liệu pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và cá nhân hóa, thì đã đến lúc các DN cần cải thiện các mô hình kinh doanh truyền thống và nắm bắt các công nghệ mới lấy người bệnh là trung tâm.

Theo chia sẻ của các DN dược, trong thời gian tới sẽ tập trung nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới, phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế, bởi 64,3% số DN cho biết mục tiêu của họ là phát triển theo hướng bền vững.

69,2% số DN ngành dược tham gia khảo sát bày tỏ niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 và 42,9% số DN lạc quan về triển vọng tăng trưởng của ngành dược trong năm tới.

Cùng chuyên mục
Doanh thu tăng, triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp ngành dược tích cực