Đốc thúc giải ngân vốn vay nước ngoài

(BKTO) - Chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc năm 2020 nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vẫn chưa đạt 50% kế hoạch. Trước thực trạng này, Bộ Tài chính liên tiếp tổ chức hội nghị với các Bộ, ngành, địa phương, các nhà tài trợ nước ngoài để bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân.



Giải ngân có chuyển biến nhưng còn thấp so với mục tiêu

Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN), Bộ Tài chính cho biết, trong 11 tháng của năm 2020, các Bộ, ngành đã giải ngân được 6.312 tỷ đồng, đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm. Số kiểm soát chi kế hoạch vốn năm 2020 của Kho bạc Nhà nước (KBNN) 11 tháng của năm đối với các dự án do Bộ, ngành thực hiện là 6.413 tỷ đồng, đạt 35,2% kế hoạch năm. Tương tự, tại các địa phương, tỷ lệ giải ngân chung gồm ngân sách T.Ư bổ sung có mục tiêu và nguồn Chính phủ cho vay lại các địa phương là 39,5% dự toán.

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục QLN&TCĐN - cho rằng, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Nỗ lực đó giúp việc giải ngân có tiến triển tích cực, đặc biệt sau tháng 10/2020, tốc độ giải ngân đã có nhiều chuyển biến so với năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, tốc độ giải ngân nguồn vốn vay này vẫn chưa đạt 50% so với kế hoạch. Đáng chú ý, đối với một số địa phương cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch, khối lượng cần giải ngân trong năm nay là rất lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, kết quả giải ngân vốn vay nước ngoài của các Bộ, ngành trong tháng 11 dù khả quan hơn so với tháng trước nhưng nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong tháng 12 sẽ rất nặng nề bởi phải giải ngân hơn 50% dự toán. Hơn nữa, tháng 12 tập trung cao điểm cho việc hoàn thành các thủ tục thanh toán như: lập hồ sơ, phiếu đánh giá để xác định khối lượng cơ bản hoàn thành, gửi hồ sơ tới kho bạc để thực hiện kiểm soát chi, lập phiếu chi, giải ngân rút vốn và khóa sổ quyết toán NSNN.

Thứ trưởng mong muốn các nhà tài trợ ủng hộ các dự án có nhu cầu kéo dài thời gian giải ngân, tạo điều kiện cho các dự án được sử dụng hết nguồn vốn vay ưu đãi; phối hợp với các chủ dự án, các cơ quan chủ quản giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt là khâu đấu thầu, phân chia gói thầu, xác nhận khối lượng thực hiện, quyết toán.

Gấp rút hoàn tất các thủ tục, điều kiện cần thiết

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã đề xuất 5 nhóm giải pháp để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của các Bộ, ngành.

Thứ nhất, thúc đẩy việc thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân, đặc biệt đối với các dự án kết thúc năm 2020, 2021, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, chủ dự án khẩn trương hoàn tất thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; xử lý dứt điểm vướng mắc của các dự án đầu tư lớn; tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu; triển khai ngay việc ký kết đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ. Các Bộ, ngành bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết vướng mắc phát sinh. Các nhà tài trợ rà soát, giảm thủ tục phê duyệt không cần thiết, đẩy nhanh thời gian phê duyệt các vấn đề cần xin ý kiến không phản đối.

Thứ hai, đối với các dự án không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao phải đề xuất cắt giảm, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành xác định cụ thể là cắt giảm của dự án nào; làm rõ dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020, dự án nào chỉ giải ngân được một phần; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định số vốn đã được phân bổ trong giai đoạn 2016-2020 và số vốn đã giải ngân thực tế, nếu thiếu vốn và còn được tiếp tục giải ngân trong các năm sau phải đề xuất đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư 2021.

Thứ ba, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý về cho vay lại: Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh Nghị định sửa đổi Nghị định số 97/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, bảo đảm Nghị định sau khi được sửa đổi sẽ đơn giản hóa quy trình, thủ tục thẩm định và ký hợp đồng cho vay lại.
Ngoài 3 nhóm giải pháp trên, Bộ Tài chính cũng đề xuất nhóm giải pháp: điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay; kiểm soát chi, giải ngân, xử lý đơn rút vốn của nhà tài trợ. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu đối với công việc đã có khối lượng, gửi KBNN xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành. Bộ cũng sẽ tiếp tục rà soát và làm việc với các địa phương, các dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để hoàn tất các thủ tục giải ngân.

Theo ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Việt Nam, năm 2020, Việt Nam đã giải ngân được 345 triệu USD, ADB mong muốn đến cuối năm sẽ giải ngân thêm hơn 40 triệu USD. ADB hy vọng rằng, Việt Nam sớm phân bổ ngân sách cho năm 2021, trong đó có phân bổ vốn ODA để tiến hành các hoạt động liên quan tới trao thầu, thực hiện hợp đồng, làm cơ sở giải ngân tốt hơn trong năm 2021.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
  • Ứng dụng công nghệ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Giai đoạn 2016-2020, tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đã được kiềm chế, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với giai đoạn 2011-2015. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, TNGT và vi phạm trật tự, ATGT vẫn ở mức cao, do đó, thời gian tới cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) nhằm nắm rõ thực trạng ATGT, từ đó hoạch định chính sách phù hợp để tiếp tục kéo giảm TNGT xuống mức thấp nhất.
  • Xây dựng ngành công nghiệp tái chế rác thải điện tử:  Việt Nam cần có lộ trình
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Những năm gần đây, nhu cầu lớn về thay đổi thiết bị điện, điện tử dẫn đến phát sinh lượng rác thải điện tử với tốc độ gia tăng nhanh chóng. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, Việt Nam cần có lộ trình để xây dựng, hoàn thiện và phát triển lĩnh vực tái chế rác thải điện tử.
  • Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Thời gian qua, kinh tế tư nhân (KTTN) liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp hơn 43% trong cơ cấu GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm/năm. Tuy nhiên, một số rào cản vẫn còn tồn tại khiến KTTN vẫn chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng.
  • Vượt khó khăn, PVEP hoàn thành sớm nhiều chỉ tiêu
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO)- Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã chính thức hoàn thành chỉ tiêu xuất bán 1,115 tỷ m3 khí vào lúc 01h00 ngày 25/12/2020 và khai thác 2,2 triệu tấn dầu vào lúc 05h00 sáng cùng ngày.
  • Năm 2020 - Năm khởi động chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Việt Nam đã có một năm 2020 khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, tiến tới xây dựng một Việt Nam số.
Đốc thúc giải ngân vốn vay nước ngoài