Ứng dụng công nghệ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

(BKTO) - Giai đoạn 2016-2020, tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đã được kiềm chế, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với giai đoạn 2011-2015. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, TNGT và vi phạm trật tự, ATGT vẫn ở mức cao, do đó, thời gian tới cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) nhằm nắm rõ thực trạng ATGT, từ đó hoạch định chính sách phù hợp để tiếp tục kéo giảm TNGT xuống mức thấp nhất.



Tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn ở mức cao

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, 5 năm qua (từ ngày 15/10/2015 đến 14/10/2020), toàn quốc xảy ra hơn 94.000 vụ TNGT, làm chết hơn 39.900 người, bị thương hơn 77.000 người. So với cùng kỳ 5 năm trước (2011-2015), giảm hơn 70.000 vụ, giảm gần 9.400 người chết, giảm hơn 90.000 người bị thương. Chỉ tính riêng năm 2020 (từ ngày 15/12/2019 đến 14/11/2020), cả nước xảy ra gần 13.000 vụ TNGT, làm chết hơn 6.000 người, bị thương hơn 9.600 người. So với 11 tháng năm 2019, giảm 2.900 vụ, giảm 927 người chết, giảm gần 2.500 người bị thương. Đặc biệt, năm 2020, TNGT đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua, số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20% và đây là lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình trật tự ATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt, thời gian vừa qua, một số vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải vẫn còn xảy ra; tình trạng ùn tắc trên các tuyến giao thông trọng điểm và ở các đô thị lớn vẫn diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa tốt.

Số liệu thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an) cho thấy, trong 5 năm qua, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 20 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 14.000 tỷ đồng, trong đó có trên 824.600 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 2.134 tài xế dương tính với ma túy... Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đã ứng dụng KHCN để giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm và phạt nguội vi phạm. Qua hệ thống giám sát trong 3 tháng qua, lực lượng chức năng đã phạt nguội trên 42.000 trường hợp.
Nâng cao ý thức, ứng dụng công nghệ

Cục CSGT cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống giám sát xử lý vi phạm trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm và nhân rộng trên các tuyến quốc lộ khác. Từ đó tiến tới giảm tối đa lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường nhưng vẫn đảm bảo trật tự, ATGT, xử lý vi phạm.

Bàn về giải pháp hạn chế TNGT trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động vận tải như: đào tạo, sát hạch, cấp đổi Giấy phép lái xe; phạt nguội; đăng kiểm… “Cùng với thực hiện nhiều giải pháp, Chính phủ xác định ứng dụng KHCN là giải pháp đột phá quan trọng nhất, là “chìa khóa” để triển khai chính sách về trật tự ATGT, tiếp tục thực hiện mục tiêu hằng năm kéo giảm từ 5 - 10% về số vụ TNGT và thương vong do TNGT gây ra” - ông Thể nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - đề nghị, thời gian tới, cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý để triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Trong năm 2021, Bộ Công an, Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố cần ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí xử phạt để mua sắm, lắp đặt và kết nối hệ thống camera giám sát, hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông và bảo đảm an ninh trật tự; nâng cấp hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện ô tô để chia sẻ liên thông giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục CSGT và các Sở GTVT. Đặc biệt, do số lượng người và phương tiện lớn, nhu cầu đi lại cao, Hà Nội và TP. HCM phải tiên phong, đi đầu trong việc ứng dụng KHCN trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức giao thông, hai địa phương này phải sớm thành lập, hoàn thiện Trung tâm điều hành giao thông thông minh để tạo đột phá trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Dương lịch, sau đó là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đón Tết Nguyên đán Tân Sửu. Do đó, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Công điện số 1711/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, ATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021. “Đặc biệt lưu ý công bố và duy trì trực ban 24 giờ trong ngày, số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị có chức năng tiếp nhận và xử lý vi phạm trật tự, ATGT; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; trấn áp những kẻ cố tình chống đối người thi hành công vụ; không vì Tết mà nể nang, xuê xoa. Các cơ quan báo chí tuyên truyền để toàn xã hội thấy việc dừng xe kiểm tra, thậm chí xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra… đó chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với mọi người dân” - Phó Thủ tướng đề nghị.

LÊ HÒA


Cùng chuyên mục
Ứng dụng công nghệ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông