Đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ

(BKTO) - Từ 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho khoa học, công nghệ (KHCN) đã giảm dần trong tất cả các năm, năm thấp nhất 0,82% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN). Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Bộ Chính trị đều quy định phải đảm bảo từ 2% trở lên.

thanh-van.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: VPQH

Đề tài nghiên cứu “cất ngăn tủ” khả năng ứng dụng thấp

Các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực? Phân bổ ngân sách cho khoa học công nghệ có dàn trải, lãng phí… là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong 5 năm qua, trong số các đề tài sử dụng NSNN, có bao nhiêu đề tài được ứng dụng, trong số đó, có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Cũng đề cập vấn đề này, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) phản ánh tình trạng còn đề tài nghiên cứu khoa học “cất ngăn tủ”, khả năng ứng dụng thấp.

“Bộ trưởng có thấy lãng phí chất xám và ngân sách hay không? Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?” - đại biểu chất vấn, đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu công trình nghiên cứu được đưa vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ đã kiến nghị và Quốc hội đã cân đối, bố trí kinh phí cho ngành và Bộ KHCN với tỷ lệ 0,64% GDP.

Theo Bộ trưởng, hoạt động KHCN rất đặc thù, bởi bản chất nghiên cứu là đi tìm cái mới nên có thể thành công, thất bại, thành công sớm hoặc muộn.

“Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là làm sao xác định được những kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phục vụ cho việc nâng cao năng lực đội ngũ các nhà nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện nghiên cứu, trường đại học” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đến nay, đã có 9 trường đại học của chúng ta xuất hiện trên bản đồ xếp hạng trên thế giới. Đây là kết quả đáng khích lệ của ngành khoa học, đổi mới sáng tạo.

“Rất khó để đánh giá thành công của các đề tài nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu sẽ có giá trị trong nhiều năm sau này. Có những đề tài phải mất nhiều thời gian mới có thể ứng dụng vào thực tế và đánh giá mức độ thành công, do vậy, không thể thống kê một cách đầy đủ và rất khó để thống kê hoàn chỉnh” - Bộ trưởng chia sẻ thêm.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, trong giai đoạn 2021-2023 Bộ đã phê duyệt 19 chương trình KHCN với mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm, yêu cầu đối với các sản phẩm và các chỉ tiêu đánh giá rất cụ thể. “Các nội dung này là cơ sở để hình thành các khung số lượng cũng như trần của NSNN bố trí cho các nhiệm vụ” - Bộ trưởng nêu rõ.

Đảm bảo thông thoáng, chủ động, căn cứ kết quả đầu ra

Giải trình làm rõ thêm vấn đề chi ngân sách cho KHCN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, chi NSNN cho KHCN là 2.076 tỷ đồng, chiếm 0,82% tổng chi NSNN, trong đó, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%.

bt-phoc.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ các vấn đề về chi NSNN cho khoa học, công nghệ. Ảnh: VPQH

Về quyết toán chi ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính và Bộ KHCN đã ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi KHCN có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách. Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán.

Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Theo Bộ trưởng, việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong KHCN.

“Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn những bất cập trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn. Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học” - Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ KHCN sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành khác sửa Nghị định 95, Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, nhân dân, đảm bảo thông thoáng, chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, cần thiết kế, hoàn thiện cơ chế quản lý KHCN để phù hợp hơn. Theo đó, đối với Nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, khi thanh toán sẽ thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đối với các đơn vị nghiên cứu khoa học ngoài Nhà nước, đề phát huy được tính sáng tạo, sáng kiến và đặc biệt là phát minh, cần có cơ chế thưởng, hỗ trợ, có cơ chế mua lại phát minh, sáng kiến, cơ chế về chuyển giao và ứng dụng đề tài khoa học…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề xuất nên bỏ một số quy định, chẳng hạn như điều kiện để được công nhận là chuyên viên chính hay là chuyên viên cao cấp hay kiểm toán viên chính phải có đề tài khoa học.

“Quy định như vậy làm cho cán bộ, công chức đăng ký đề tài và sao chép để đảm bảo đề tài được nghiệm thu chứ không ứng dụng được nhiều trong thực tiễn, sẽ tràn lan và không đảm hiệu quả nghiên cứu” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho KHCN đã giảm dần trong tất cả các, năm thấp nhất là 0,82%. Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Bộ Chính trị đều quy định phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho KHCN và đổi mới sáng tạo, tăng dần theo nhu cầu phát triển của KHCN.

Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm, đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn.

“Đến nay, có cả địa phương không bố trí vốn hoặc có những địa phương bố trí rất thấp cho công tác KHCN” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu thực tế.

Cùng chuyên mục
Đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ