Thúc đẩy cho vay đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

(BKTO) - Chính sách tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản…

doanh-nghiep-nu.jpg
DN do nữ làm chủ là những khách hàng trung thành và có khả năng cao mang lại lợi nhuận cho tổ chức tín dụng.
Ảnh minh họa

Ngày 07/06, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Tọa đàm: “Khuyến nghị chính sách và thảo luận về thúc đẩy cho vay dành cho DN vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam” trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy chương trình cải cách bình đẳng giới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Tại Tọa đàm, ông Reuben Jessop - Chuyên gia tư vấn tài chính quốc tế - cho rằng, phụ nữ và DN do nữ làm chủ là những khách hàng trung thành và có khả năng cao mang lại lợi nhuận cho tổ chức tín dụng (TCTD).

Phụ nữ quảng bá mạng lưới TCTD và khi hài lòng với dịch vụ, nhiều khả năng, họ sẽ giới thiệu khách hàng mới hơn so với nam giới. Các khoản vay của cá nhân và doanh nghiệp nữ, các khoản cho vay bán lẻ của phụ nữ thường ít rủi ro hơn và có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn. Trong khi đó, phụ nữ cũng có tỷ lệ tiết kiệm cao hơn và các doanh nghiệp nữ cũng thường tự cấp vốn.

Rà soát chính sách tín dụng dành cho DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, bà Lê Thanh Tâm - Chuyên gia tư vấn tài chính quốc gia từ Công ty Palladium - nhận định, hiện có nhiều quy định hỗ trợ tín dụng cho DNNVV nói chung và DNNVV do phụ nữ làm chủ nói riêng, tập trung vào thúc đẩy sự phát triển của những doanh nghiệp này và tăng khả năng tiếp cận tài chính; giảm lãi suất cho vay; DNNVV trong một số lĩnh vực cụ thể có thể được vay tín chấp; hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, bao gồm DNNVV trong và sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản đối với chính sách tín dụng dành cho DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam.

Ông Reuben Jessop khuyến nghị NHNN và các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các DN do phụ nữ làm chủ như một biện pháp phòng ngừa tích cực nhằm bảo vệ các ngân hàng trước tình trạng suy giảm danh mục cho vay; cải thiện các cơ chế bảo lãnh tín dụng và dịch vụ tư vấn để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DNNVV, nhất là các DNNVV do phụ nữ làm chủ…

Đối với các tổ chức tài chính, ông Reuben Jessop cho rằng, cần theo dõi dữ liệu phân tách theo giới tính ở cấp độ công ty và danh mục đầu tư; xây dựng chiến lược dành riêng cho DN do phụ nữ làm chủ; phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp cho các DN do phụ nữ làm chủ như: Đẩy mạnh số hóa và khai thác tốt hơn thông tin khách hàng trong quá trình thẩm định, xem xét cung cấp các chương trình giáo dục tài chính thiết thực nhằm hỗ trợ khách hàng nâng cao chất lượng hồ sơ tài chính…/.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy cho vay đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ